Bất cập hạn chế trong chính sách pháp luật về đất đai là nguyên nhân của nhiều khiếu nại tố cáo

08/11/2017

Chiều 7/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội tiến hành thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017. Đây là lần đầu tiên, phiên thảo luận của Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được phát thanh, truyền hình trực tiếp đến cử tri và nhân dân cả nước.

        Đại biểu Phạm Trí Thức phát biểu về tại Hội trường về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo                         Ảnh: Đình Nam

Tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác kiểm sát, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cơ bản tán thành với những nhận định, đánh giá về tình hình khiếu nại, tố cáo, những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và những giải pháp được đề cập trong các Báo cáo của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu cũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh khiếu nại, tố cáo là công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực còn bất cập, nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, một số chính sách về xã hội.

Tìm nguyên nhân tình trạng khiếu nại tố cáo kéo dài phức tạp 

Đại biểu Quốc hội Phạm Trí Thức– tỉnh Thanh Hóa cho rằng, pháp luật về khiếu nại, tố cáo có bất cập nhưng đây pháp luật về hình thức, quan trọng là pháp luật về nội dung. Phòng ngừa được vi phạm pháp luật ở các luật nội dung, bằng chính sách pháp luật nội dung thì mới giải quyết căn bản được vấn đề. Pháp luật về hình thức dùng để áp dụng tiến hành giải quyết khi hậu quả đã xảy ra rồi nếu chỉ tập trung khắc phục hạn chế ở điểm này thì hiệu quả không cao và rất khó giải quyết căn bản vấn đề.

Theo đại biểu Phạm Trí Thức, báo cáo của Chính phủ đưa ra ba nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay nhưng chưa nêu được nguyên nhân nào là nguyên nhân cơ bản nhất, chủ yếu nhất. Do vậy, phải chỉ ra nguyên nhân chính ở đây là việc bất cập của hệ thống, chính sách pháp luật về đất đai.

Đại biểu dẫn chứng, từ năm 2011 Báo cáo của Chính phủ nêu có đến 82,44% đơn khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực đất đai, nhà ở; năm 2012 là 78,9%; năm 2013 là 60,9%; năm 2014 là 76,38%; năm 2015 là 76,7%; năm 2016 là 74%, năm nay là 72,1%. Nghiên cứu Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, các vụ án hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, các quyết định hành chính về đất đai cũng chiếm 74,6%; các tranh chấp vụ án về dân sự chiếm tỷ lệ lớn là tranh chấp về đất đai. Như vậy, đại biểu cho rằng chính sách về đất đai đang có vấn đề. Cụ thể, Luật Đất đai có quá nhiều bất cập, tạo điểm nghẽn trong phát triển phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hiện đại, chưa có chính sách thông thoáng để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chưa giải quyết hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng đất.

Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đầu tư dự án hạ tầng chưa được quản lý chặt chẽ làm phát sinh nhiều khiếu nại tố cáo

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan– tỉnh Quảng Ninh nêu vấn đề, trong tổng số đơn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và đơn có nhiều người khiếu kiện thì tỷ lệ đơn có liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, cấp quyền sử dụng đất và nhà ở chiếm tỷ lệ rất cao, 85% theo Báo cáo của Chính phủ và 65,4% so với tổng số đơn gửi Quốc hội.

Đại biểu Đỗ Thị Lan nêu bất cập trong lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất,quy hoạch đô thị gây nhiều bức xúc cho nhân dân

Qua thực tế giám sát ở địa phương cũng như nắm bắt trong tình hình cả nước, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, nguyên nhân đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai phát sinh là do nguyên nhân công tác lập quy hoạch, quản lý, thực hiện quy hoạch đô thị nói chung, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đầu tư các dự án hạ tầng, đầu tư sản xuất kinh doanh nói riêng của các nhà đầu tư còn nhiều hạn chế, chưa có việc quản lý chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả lập quy hoạch và quản lý quy hoạch cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Quá trình lập quy hoạch cũng chưa công khai và lấy ý kiến của người dân. Do vậy, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch đã có những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, công bố quy hoạch cho người dân biết.

Nhiều dự án treo trong quá trình thực hiện quy hoạch không thực hiện được, số dự án treo này còn có khó khăn trong việc xác định vi phạm của các nhà đầu tư để thu hồi các dự án treo. Kết quả thu hồi các dự án treo, dự án không thực hiện đúng theo quy hoạch còn tồn tại, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, đến những người sống trong vùng quy hoạch và ảnh hưởng đến nguồn lực của nhà đầu tư trong việc đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân. Nhiều hộ dân không được sửa chữa nhà cửa, không được xây dựng nhà cửa trong thời gian dài, gây bức xúc và là một trong những nguyên nhân gây nên đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về đất đai xây dựng đô thị, việc lập và lưu trữ hồ sơ, bản đồ địa chính của cấp phường, xã, có nơi, có điểm chưa chuẩn xác. Công tác quản lý đất đai, cấp quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, dẫn đến tranh chấp đất đai và việc lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng cũng vướng mắc do quá trình quản lý đất đai chưa tốt. Chính vì vậy, việc xác định nguồn gốc đất, phân loại đất, xác định diện tích đất cũng như lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng đối với một số dự án đền bù giải phóng mặt bằng không được người dân chấp nhận. Ngay từ khi có quyết định lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng đã bắt đầu phát sinh rất nhiều đơn thư. Theo đại biểu, đây là một trong những nguyên nhân chính cần được quan tâm và xử lý để giải quyết, khắc phục tình trạng này.

Vì vậy, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo đối với việc lập quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch đối với các quy hoạch đô thị và quy hoạch có liên quan, nhất là quy hoạch đầu tư các dự án hạ tầng và dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh tại các địa phương, khắc phục tình trạng các hộ dân trong vùng quy hoạch các dự án treo, cương quyết thu hồi các dự án treo không đủ điều kiện, không đảm bảo năng lực trong đầu tư các dự án và thực hiện các dự án theo quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để khắc phục tình trạng người dân không chấp nhận các phương án đền bù giải phóng mặt bằng, đồng thời giảm những đơn thư khiếu kiện của người dân.

Còn chưa quan tâm thỏa đáng việc giải quyết dứt điểm kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai- tỉnh Tuyên Quang chỉ ra rằng do chính sách pháp luật về đất đai nhất là quy định về khung giá đền bù, bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các dự án di dân tái định cư nói riêng thời gian qua đã có nhiều thay đổi. Có nội dung không thống nhất, việc áp dụng còn cứng nhắc chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và người bị thu hồi đất nên khi thực hiện đã có nhiều vướng mắc, tích lũy lâu dần gây nên sự bức xúc trong nhân dân.

Riêng đối với các dự án di dân tái định cư thủy điện, công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư mới chỉ dừng lại ở việc bồi thường quyền sử dụng đất và các tài sản thiệt hại trực tiếp. Các thiệt hại gián tiếp và vô hình khác về việc làm thu nhập kinh tế, hưởng thụ văn hóa chưa được tính toán đầy đủ. Do đó, khi các chính sách hỗ trợ để ổn định cuộc sống cho người dân thiếu tính ổn định bền vững đầu tư chưa đến nơi đến trốn thì cuộc sống của nhiều người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Âu Thị Mai phân tích nguyên nhân của tình hình khiếu nại tố cáo thời gian qua

Ngoài ra, do các cơ quan có thẩm quyền mới chỉ chú trọng tới việc trả lời các kiến nghị đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân để tránh tồn đọng mà chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết hoặc xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm kiến nghị đơn thư khiếu nại, tố cáo dẫn đến tình trạng số lượng kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo được trả lời rất lớn nhưng chất lượng của việc giải quyết kiến nghị còn chưa cao.

Một số vụ việc có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm hoặc trả lời vòng vo, không rõ ràng của các cơ quan chức năng và các cán bộ có thẩm quyền giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Chính vì không được trả lời rõ ràng, giải quyết thấu đáo nên người dân vẫn đeo bám để đề nghị, kiến nghị, yêu cầu giải quyết từ năm này qua năm khác gây lãng phí thời gian, tổn hại kinh tế của nhà nước và nhân dân.

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu- TP. Hà Nội cho rằng sẽ là thiếu sót lớn và đương nhiên sẽ không có các giải pháp khắc phục tương ứng, hiệu quả thực trạng hiện nay nếu chưa nhìn nhận việc thiếu sâu sát, gần dân, lắng nghe dân và đối thoại với nhân dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ là một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo vừa qua.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu rõ, các báo cáo và chuyên đề nghiên cứu về vấn đề khiếu nại, tố cáo và an ninh nông thôn đều chỉ ra rằng, hầu hết các vụ việc phức tạp, điểm nóng đều phát sinh từ cơ sở. Vấn đề đặt ra là cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở có sâu sát gần dân, sớm nắm bắt các vấn đề trong dân, lắng nghe, chia sẻ, đối thoại với dân, cùng dân giải quyết các vấn đề của dân ngay từ cơ sở khi vụ việc mới manh nha hay không. Vì vậy đại biểu đề nghị, Chính phủ bổ sung nguyên nhân thiếu sâu sát, xa dân, không lắng nghe và đối thoại với dân là một trong các nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo và báo cáo trình Quốc hội. Đồng thời đề nghị thực hiện nghiêm quy định về tiếp công dân của người đứng đầu các cơ quan hành chính, xử lý nghiêm cán bộ không thực hiện quy định tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; luật hóa sớm chính thức quy định trong các luật về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, về trách nhiệm đối thoại của người đứng đầu chính quyền, nhất là Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đối với dân. 

Bảo Yến