Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị và kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri

11/10/2017

Chiều 11/10, tại Nhà Quốc hội, ngay sau khi khai mạc phiên họp thứ 15, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2017.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp                        Ảnh: Đình Nam

Tại phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Dự thảo Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Theo đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2396 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Kiến nghị của cử tri tập trung ở các nhóm vấn đề như sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm; giáo dục, đào tạo, dạy nghề và việc làm; phòng, chống tham nhũng, lãng phí và công tác cán bộ; quản lý đô thị và giao thông, vận tải; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cũng cho biết, sau khi tổng hợp, phân loại các kiến nghị trùng nội dung, các kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, có 2.458 kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Cụ thể, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 139/139 kiến nghị. Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tiếp nhận, nghiên cứu, giải quyết và có văn bản trả lời 2.284/2.284 kiến nghị của cử tri (đạt 100%). Trong đó, có 1.695 kiến nghị (chiếm 74,2%) đã được trả lời giải trình, cung cấp thông tin với cử tri; 282 kiến nghị (chiếm 12,4%) đã được nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết xong; 307 kiến nghị (chiếm 13,4%) đang nghiên cứu đã có văn bản trả lời cử tri sẽ giải quyết trong thời gian tới. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời 17/17 kiến nghị của cử tri (đạt 100%).

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung đã nêu trong các báo cáo; đồng thời đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Dân nguyện trong thời gian ngắn đã tổng hợp đầy đủ, thể hiện tương đối toàn diện và đưa ra những nhận định, đánh giá có số liệu dẫn chứng rõ ràng và đề xuất, kiến nghị cụ thể.

Cần phân tích đánh giá phân loại các kiến nghị của cử tri và nhân dân

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến khẳng định Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Quốc hội đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi đây chính là bức tranh tổng thể phản ánh, đánh giá của nhân dân về các lĩnh vực. Vì vậy cử tri và nhân dân cũng quan tâm theo dõi xem việc tổng hợp có đầy đủ, phản ánh trung thực hay không. Cho rằng các báo cáo đã tập hợp và phản ánh trung thực, phân loại đánh giá khá sát với thực tiễn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị cần phải phân tích số lượng trên 2000 ý kiến của cử tri tập trung nhiều ở những lĩnh vực nào, địa phương nào để có sự so sánh giữa các thời kỳ. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc hướng dẫn thống nhất để cho Mặt trận Tổ quốc các cấp trong quá trình tổng hợp ý kiến từ cơ sở theo dõi có hệ thống và so sánh, đánh giá được từng lĩnh vực mức độ hài lòng của người dân. Qua đó, để Quốc hội, Chính phủ đánh giá được từng lĩnh vực có chuyển biến tốt, xấu ở vùng, miền nào, ở địa phương nào và cung cấp thêm thông tin để đại biểu Quốc hội đánh giá, tiếp tục giám sát, chất vấn.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc rất đầy đủ nhưng dường như chúng ta liệt kê các sự việc xảy ra. Vì vậy, nếu phân tích thêm về tỷ lệ và đánh giá trên 2.000 kiến nghị đó có bao nhiêu ý kiến về chính sách và bao nhiêu kiến nghị về vụ việc cá nhân; xem tỷ trọng của mỗi vấn đề trong đơn bức xúc là như thế nào; thử xem xét các địa bàn như thế nào, ở nông thôn bức xúc vấn đề gì, ở thành thị bức xúc vấn đề gì và vùng núi thường sẽ bức xúc những vấn đề gì. Khi đó sẽ thấy được rõ hơn chính sách của chúng ta trong từng lĩnh vực hiện nay làm gì, hay chính sách về đất đai, chính sách về quản lý nhà nước, quan hệ cán bộ…có vấn đề gì.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, qua tiếp xúc cử tri cho thấy cử tri đề cập đến rất nhiều vấn đề, phạm vi nội dung đề cập rất rộng. Tuy nhiên, trong báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các vấn đề về mảng chính sách an sinh xã hội như chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, chính sách hỗ trợ người có công… chưa được đề cập đầy đủ; chính sách đóng tàu vỏ sắt, hỗ trợ ngư dân, đó là những vấn đề đang còn bất cập, hạn chế cũng không thấy đề cập. Vấn đề về đất rừng và đất sản xuất cho người dân ở vùng có rừng phòng hộ, rừng quốc gia, đất nông, lâm trường nhưng người dân ở đó nhiều năm không có đất sản xuất, đang được Hội đồng Dân tộc của Quốc hội giám sát tại các tỉnh thành, cũng được người dân kiến nghị nhiều lần lên các cơ quan nhưng chưa được giải quyết. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc chọn vấn đề để đưa vào báo cáo tổng hợp sao cho để khi đọc ra cử tri thấy đó là những vấn đề đã phản ánh với Quốc hội, với các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Đề nghị sớm giải quyết triệt để các kiến nghị của cử tri khắc phục tình trạng tồn đọng

Ghi nhận báo cáo giám sát kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri của Ban Dân nguyện có chất lượng, nhiều tư liệu, số liệu minh họa phong phú và có căn cứ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, qua kết quả báo cáo cho thấy nỗ lực của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ, của đồng chí Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tiếp nhận và giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Chất lượng công tác giải quyết kiến nghị có những chuyển biến tích cực.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ băn khoăn về các các vấn đề như kiến nghị của cử tri đã có quy định, đã được giải quyết nhưng vẫn chuyển đi, chuyển lại đến các cơ quan có thẩm quyền; có đến 570 kiến nghị chưa được giải quyết, trong đó phần lớn các kiến nghị chủ yếu chưa đề ra được lộ trình giải quyết cụ thể; còn có tình trạng một số bộ, ngành khi giải quyết kiến nghị cử tri có nội dung chưa đầy đủ dẫn đến người dân không hài lòng với nội dung trả lời và tiếp tục gửi kiến nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần nghiên cứu làm rõ trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận và cơ quan có thẩm quyền giải quyết, bởi vì chúng ta trả lời không phải chỉ có trả lời mà còn thông tin đầy đủ, kể cả những chính sách pháp luật để cho cử tri biết; đề nghị các cơ quan khi tiếp nhận kiến nghị cử tri tổ chức nghiên cứu giải quyết sớm, hạn chế số tồn đọng như hiện nay. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành cần tăng cường hơn nữa phối hợp, phân công trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri làm sao cho kịp thời, đầy đủ hơn và trả lời rõ ràng, ngắn gọn, cụ thể.

Ngoài ra, góp ý về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần bổ sung nội dung đánh giá tổng quát các kiến nghị và việc giải quyết kiến nghị của cử tri để so sánh kết quả giữa các năm, thấy được sự chuyển biến và mức độ thay đổi kiến nghị của cử tri, người dân cần được tập trung giải quyết. Đồng thời, cần cân nhắc và thận trọng khi có những đánh giá liên quan đến tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, phải bảo đảm có minh chứng rõ ràng thay vì nhận định chung chung.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, qua thảo luận Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung báo cáo; đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình tổng hợp và đưa ra những nhận định, đánh giá và đề xuất, kiến nghị cụ thể.

Đối với Báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nhóm ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân mà Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổng hợp; đồng thời đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục rà soát, đặc biệt là phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trong cả nước báo cáo và tổng hợp, đánh giá kỹ thêm để báo cáo được đầy đủ, bao quát nhất.

Đối với kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ ba, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với đánh giá kết quả giải quyết kiến nghị cử tri. 100% ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã được giải quyết trả lời, tỷ lệ này cao hơn so với các kỳ trước. Báo cáo của Ban Dân nguyện và ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng nêu lên nhiều những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết kiến nghị của cử tri. Vì vậy, đề nghị Ban Dân nguyện rà soát lại nội dung của báo cáo, làm rõ hiệu quả của việc giải quyết, trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri; làm rõ trách nhiệm, kể cả về công tác thông tin, tuyên truyền trong việc kiến nghị nhiều lần các nội dung đã giải quyết; làm rõ xem việc trả lời ý kiến kiến nghị đã đến được với cử tri chưa; xem xét việc trả lời, giải quyết của cơ quan đã đáp ứng được yêu cầu của cử tri hay chưa.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị cử tri cả nước một cách đầy đủ và hoàn chỉnh nhất; đề nghị Ban Dân nguyện khẩn trương tiếp thu hoàn chỉnh các báo cáo để gửi xin ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi chính thức gửi tới Quốc hội.

Bảo Yến

Các bài viết khác