UBTVQH cho ý kiến về đề xuất ký Bản ghi nhớ về việc thực hiện “Thu hoạch sớm” Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng

20/09/2017

Tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 14, sáng 20/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề xuất ký Bản ghi nhớ về việc thực hiện “Thu hoạch sớm” Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.

Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Trương Quang Nghĩa trình bày Tờ trình của Chính phủ tại Phiên họp    Ảnh: Đình Nam

Trong khuôn khổ hợp tác GMS, bắt nguồn từ Hiệp định ba bên Việt Nam - Lào - Thái Lan về tạo thuận lợi cho vận tải bằng đường bộ giữa ba nước, Hiệp định GMS-CBTA (với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á- ADB), đã dần được mở rộng với sự tham gia của các nước thành viên GMS còn lại (Campuchia, Trung Quốc và Myanmar lần lượt gia nhập vào các năm 2001, 2002 và 2003). Hiệp định gồm 20 Phụ lục và Nghị định thư; trong đó Campuchia, Trung Quốc, Lào và Việt Nam đã phê chuẩn toàn bộ 20 Phụ lục và Nghị định thư (năm 2008 và 2009). Hai nước còn lại là Thái Lan và Myanmar vừa hoàn thành việc phê chuẩn vào cuối năm 2015 vừa qua. Trên cơ sở các nước đã hoàn thành việc phê chuẩn nêu trên cũng như các nội dung quy định tại Hiệp định GMS-CBTA liên quan đến thủ tục qua lại biên giới, tuyến đường, cặp cửa khẩu… từ 10 năm trước đến nay đã có nhiều thay đổi, ADB và các nước GMS đã thống nhất xây dựng dự thảo Bản ghi nhớ về việc thực hiện “Thu hoạch sớm” Hiệp định GMS-CBTA (Bản ghi nhớ).

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về đề xuất ký Bản ghi nhớ về việc thực hiện “Thu hoạch sớm” Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết, việc đàm phán, ký kết Bản ghi nhớ sẽ góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước GMS.

Bản ghi nhớ, gồm 10 Điều, với nội dung chính là các quy định về việc tạm nhập phương tiện cơ giới dựa trên Điều 18 (Tạm nhập phương tiện cơ giới), Phụ lục 8 (Tạm nhập phương tiện cơ giới) và Phụ lục 14 (Chế độ hải quan container) của Hiệp định GMS-CBTA. Các nội dung liên quan đến quyền vận tải, tạo thuận lợi cho thủ tục qua lại biên giới và các nội dung khác trên tinh thần của Hiệp định GMS-CBTA. Theo nội dung Bản ghi nhớ, các Bên sẽ cấp 500 giấy phép theo Nghị định thư số 3 của Hiệp định GMS-CBTA và công nhận lẫn nhau, chấp nhận các giấy phép này giữa các Bên ký kết kể từ ngày Bản ghi nhớ này có hiệu lực; thực thi các chế độ của Hiệp định GMS-CBTA về tạm nhập phương tiện cơ giới, dựa trên Điều 18, Phụ lục 8 và Phụ lục 14 của Hiệp định GMS-CBTA, cho phép tạm nhập phương tiện cơ giới mà không phải nộp các loại thuế nhập khẩu, không phải bảo lãnh hải quan.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Bản ghi nhớ không trái với quy định của Hiến pháp năm 2013 và về cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Bản ghi nhớ chỉ có một nội dung khác với quy định của pháp luật Việt Nam về thời hạn nộp tiền phạt, cụ thể: Điểm 6.g Bản ghi nhớ quy định thời hạn nộp thuế, tiền phạt và lãi cho cơ quan Hải quan đối với người khai thác công-te-nơ trong trường hợp có vi phạm là trong thời gian 30 ngày kể từ ngày thông báo. Trong khi đó theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định thời hạn này là trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt (khoản 1 Điều 78). Do đó, Chính phủ đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý với nội dung khác nhau về thời hạn nộp phạt được quy định trong dự thảo Bản ghi nhớ và Luật Xử lý vi phạm hành chính, theo đó cho phép áp dụng thời hạn nộp phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại dự thảo bản ghi nhớ là 30 ngày, để Chính phủ tiến hành thủ tục ký kết Bản ghi nhớ nêu trên.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra tại Phiên họp

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại do Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu trình bày, Dự thảo Bản ghi nhớ được xây dựng trên cơ sở Hiệp định tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng và sẽ được ký với danh nghĩa Chính phủ, có hiệu lực trong thời gian 12 tháng kể từ ngày hoàn thành việc ký kết (riêng Mi-an-ma được áp dụng giai đoạn chuyển tiếp, bắt đầu thực hiện Bản ghi nhớ từ ngày 1/1/2019). Theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, việc ký kết Bản ghi nhớ thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Tuy nhiên, do Bản ghi nhớ có nội dung khác với quy định của pháp luật Việt Nam nên Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ký Bản ghi nhớ theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Điều ước quốc tế. Hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ký Bản ghi nhớ về cơ bản đã đảm bảo theo quy định của Luật Điều ước quốc tế. Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan đề xuất ký Bản ghi nhớ (Bộ Giao thông vận tải) bổ sung Báo cáo đánh giá tác động của việc ký Bản ghi nhớ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thêm cơ sở cho ý kiến về việc ký Bản ghi nhớ.

Đối với việc Bản ghi nhớ có nội dung khác với quy định của pháp luật Việt Nam về thời hạn nộp tiền phạt, Thường trực Ủy ban Đối ngoại nhận thấy quy định về thời hạn nộp tiền phạt trong thời gian 30 ngày kể từ ngày thông báo tại Bản ghi nhớ chỉ được áp dụng đối với các đơn vị thực hiện hoạt động vận tải quốc tế của các nước tham gia Hiệp định GMS-CBTA. Quy định tại Điểm 6.g Bản ghi nhớ phù hợp với quy định tại khoản c Điều 11 Phụ lục 14 của Hiệp định GMS-CBTA, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2009. Như vậy, quy định thời hạn nộp tiền phạt tại Bản ghi nhớ phù hợp với quy định tại Hiệp định GMS-CBTA, phù hợp với điều kiện thực tế của các nước ký kết và Việt Nam. Do đó, Thường trực Ủy ban Đối ngoại nhất trí kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giao Chính phủ tiến hành thủ tục ký Bản ghi nhớ theo quy định.

Qua thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đều nhất trí cho rằng việc ký kết Bản ghi nhớ về thực hiện thu hoạch sớm Hiệp định tạo thuận lợi vận chuyển qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng là cần thiết nhằm thúc đẩy hoạt động vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Công. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất để Chính phủ tiến hành các thủ tục ký kết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần chú ý về thời hiệu thực hiện Hiệp định này.

Quang Minh

Các bài viết khác