Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

20/09/2017

Chiều 20/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 14, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp

Thay mặt Chính phủ  trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Luật phòng, chống tham nhũng đã từng bước giúp tạo ra môi trường thể chế ngày càng công khai, minh bạch; bộ máy cơ quan phòng, chống tham nhũng bước đầu được củng cố, kiện toàn. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Do đó, việc sửa đổi bổ sung dự thảo luật phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết.

Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng được bố cục gồm 11 Chương với 131 điều, quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng. Dự thảo luật sửa đổi lần này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Luật phòng, chống tham nhũng có phạm vi điều chỉnh về công tác phòng chống tham nhũng trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, do đó có mối quan hệ mật thiết với nhiều đạo luật khác. Nhìn chung, các quy định của dự án Luật đã đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, cũng có một số quy định còn trùng lắp, chồng chéo, đề nghị cơ quan trình dự án cần tiếp tục rà soát các nội dung của dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; bảo đảm tính nhất quán trong việc xử lý vấn đề này trong dự thảo Luật. Trường hợp thấy cần thiết phải sửa đổi các luật có liên quan thì cần thực hiện theo đúng quy định tại Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, trong Tờ trình và dự thảo Luật vẫn chưa có khái niệm giải thích rõ thế nào là tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, do đó nhiều quy định của dự thảo Luật về vấn đề này còn thiếu rõ ràng. Mặc dù dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước, nhưng khái niệm về hành vi tham nhũng trong dự thảo Luật vẫn chỉ giới hạn tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực cônga. Mặt khác, việc quy định bắt buộc áp dụng các biện pháp phòng ngừa trong khu vực tư và kèm theo đó là việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước cũng sẽ gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là dự án Luật rất quan trọng, được nhân dân, báo chí, nhà đầu tư và quốc tế quan tâm. Dự án Luật được Chính phủ trình sửa đổi, bổ sung toàn diện trong đó có nhiều vấn đề mới, phức tạp; một số vấn đề còn chưa được quy định cụ thể hoặc một số vấn đề mới cần đánh giá tác động, lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động hoặc cần được tiếp tục xem xét, cân nhắc về tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do đó, nếu trình dự án Luật để Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 02 kỳ họp thì không đủ thời gian nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật đảm bảo chất lượng. Ủy ban Tư pháp đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự án Luật tại 03 kỳ họp  theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 76 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra

Thảo luận tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, kiến nghị của cử tri cho thấy, ngoài những bức xúc trong việc tham nhũng ở lĩnh vực công, dự án lớn thì cử tri cũng rất bức xúc về vấn đề tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt tại khối hành chính, thực hiện ở những cán bộ cấp cơ sở. Những hành động tham nhũng vặt này ảnh hưởng đến rất đông bộ phận người dân, gây tác động xã hội học xấu, làm sói mòn đạo đức, lối sống tốt đẹp tương thân tương ái của người dân. Do đó, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị cần có đánh giá cụ thể về vấn đề này trong Báo cáo tổng kết Sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng để căn cứ vào đó đưa ra các biện pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cơ quan soạn thảo cho biết, liên quan đến việc sửa đổi Luật phòng,chống tham nhũng thì cần phải điều chỉnh bao nhiêu luật hiện hành có liên quan. Cụ thể, liên quan đến vấn đề phòng, chống tham nhũng khu vực tư, luật đã mở rộng quyền cho thanh tra có quyền thanh tra đột xuất việc thực hiện các quy định về phòng chống tham nhũng tại khu vực ngoài nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, Luật thanh tra hiện hành chưa quy định vấn đề này, do đó chúng ta lại cần phải sửa đổi luật thanh tra và một số luật có liên quan.

Về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa,giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình đánh giá đây là một dự thảo luật quan trọng và khó. Không dễ dàng nhìn ra được các hành vi tham nhũng mà cần có sự phối hợp của rất nhiều cơ quan, do đó, trước mắt nên tập trung vào đối tượng là khu vực công lập. Vì hành vi tham nhũng thường gắn liền với quyền lực, chức vụ, quyền hạn. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cũng đề nghị cần phải gia công thêm cho kỹ lưỡng nhiều vấn đề trong luật này, do đó tán thành phương án thông qua Dự thảo luật trong 3 kỳ họp.

Cũng liên quan đến đề nghị của Chính phủ về mở rộng từng bước về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật sang khu vực ngoài nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng không nên mở rộng đối tượng sang khu vực ngoài nhà nước vội, mà cần tập trung để làm cho tốt việc phòng, chống tham nhũng đối với khu vực công, đối tượng sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra Dự thảo luật phòng, chống tham nhũng; đề nghị các cơ quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc ý tưởng mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước để đảm bảo vừa tôn trọng hoạt động của kinh tế tư nhân vừa đảm bảo tính khả thi của luật.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội khẳng định Dự án Luật phòng, chống tội phạm là một dự án luật quan trọng, việc sửa đổi là cần thiết để khắc phục những hạn chế của luật hiện hành và xử lý những vấn đề mới phát sinh. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lượng những vấn đề mới được đưa ra trong Dự thảo luật để đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ, tính khả thitrong mối tương quan của hệ thống luật pháp hiện hành. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn thiện tờ trình, hồ sơ Dự thảo luật để chuẩn bị trình ra xin ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Hồ Hương

Các bài viết khác