Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quy hoạch

18/09/2017

Tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 14, sáng 18/9, tại phòng họp Tân Trào- Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch. Trước đó, Dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 vào ngày 9/11/2016 và tiếp tục thảo luận, cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quy hoạch     Ảnh: Đình Nam

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần 2 về dự án Luật Quy hoạch. Nhìn chung, các ý kiến phát biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch và nhiều nội dung trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính khả thi của dự thảo Luật, vì để triển khai thi hành Luật Quy hoạch cần phải sửa đổi nhiều luật hiện hành có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định trong dự thảo Luật Quy hoạch. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 3 để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự án Luật.

Ngày 18/7/2017, Ủy ban thường vụ Quốc hội có công văn số 162/UBTVQH14-PL yêu cầu Chính phủ khẩn trương rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết có liên quan, bảo đảm đồng bộ với việc triển khai thi hành Luật Quy hoạch và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 14.

Trình bày Tờ trình bổ sung Dự án Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đề nghị chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch trình Quốc hội một số nội dung như: đề nghị chuyển nội dung quy định về tư vấn phản biện độc lập quy định tại Điều 18 sang Điều 30 do việc lấy ý kiến của tư vấn phản biện độc lập đối với quy hoạch được áp dụng tại giai đoạn thẩm định quy hoạch và do Hội đồng thẩm định thực hiện. Còn nội dung của Điều 18 là việc lấy ý kiến về quy hoạch tại giai đoạn lập quy hoạch và do cơ quan lập quy hoạch thực hiện. Tư vấn phản biện độc lập có thể là tổ chức hoặc cá nhân; do vậy, tư vấn phản biện độc lập không nhất thiết phải có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, tư vấn phản biện độc lập vẫn phải đáp ứng điều kiện về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận theo quy định của pháp luật có liên quan và quy định của Chính phủ; đề nghị bổ sung nội dung thành lập cơ quan lập quy hoạch tại Điều 16 để làm rõ hơn quy trình lập quy hoạch.

Chính phủ cũng đề nghị chỉnh lý quy định “Việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch chi tiết để thực hiện dự án quan trọng quốc gia…” tại khoản 3 các Điều 23, 24 và khoản 6 Điều 26  thành “Việc triển khai thực hiện các dự án quan trọng quốc gia…”; đề nghị chỉnh lý, làm rõ thêm việc quy định tại khoản 3, Điều 27 và khoản 3, Điều 28 của dự thảo Luật Quy hoạch để thống nhất với pháp luật khác có liên quan và để triển khai cụ thể nội dung của quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh bảo đảm tính khả thi trong triển khai quy hoạch được lập theo luật này.

Về sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành đang điều chỉnh về hoạt động quy hoạch, Chính phủ đề nghị được phân thành 2 nhóm, nhóm 1 sửa đổi, bổ sung 8 luật có nội dung đơn giản, mang tính kỹ thuật và không làm thay đổi nội dung chính của các luật được đề nghị sửa đổi tại điều 69, dự thảo Luật Quy hoạch; nhóm 2 sửa đổi, bổ sung các luật có nhiều nội dung liên quan đến quy hoạch, có chính sách phức tạp hơn, liên quan đến đầu tư, kinh doanh,… cần có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá tác động của chính sách, lập đề nghị sửa đổi, bổ sung bảo đảm chất lượng.

Về công tác chuẩn bị triển khai thi hành Luật Quy hoạch, Chính phủ kiến nghị Quốc hội chấp thuận cho phép sửa đổi, bổ sung các luật liên quan để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật khi Luật Quy hoạch được thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Việc sửa đổi các luật liên quan này được thực hiện theo trình tự rút gọn quy định tại Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Trình bày Báo cáo thẩm tra bổ sung về Dự án Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, từ sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Quy hoạch, rà soát các luật có liên quan đến nội dung của dự án Luật Quy hoạch. Cơ quan soạn thảo cũng đã phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Kinh tế, cung cấp các thông tin cần thiết trong quá trình rà soát, hoàn chỉnh dự án Luật Quy hoạch để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội. Tờ trình số 362/TTr-CP kèm theo dự thảo Luật Quy hoạch đã được chỉnh lý, hoàn thiện để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung nhóm 08 luật có nội dung đơn giản về kỹ thuật ngay trong dự thảo Luật Quy hoạch và có danh mục 24 luật dự kiến sửa đổi, bổ sung kèm theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật Quy hoạch.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng dự án Luật Quy hoạch đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại hai kỳ họp (kỳ 2 và kỳ 3), về cơ bản dự án Luật đã đáp ứng được yêu cầu xây dựng một luật khung, điều chỉnh chung cho công tác quy hoạch. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật, cần thiết phải sửa đổi các luật hiện hành có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định trong dự thảo Luật Quy hoạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Phiên họp

Về việc sửa đổi 8 luật quy định tại Điều 69 (mới) của dự thảo Luật, theo Tờ trình số 362, Chính phủ đề xuất bổ sung thêm một điều (Điều 69) để sửa đổi các luật đang điều chỉnh hoạt động quy hoạch, gồm: (1) Luật Công nghệ thông tin, (2) Luật Người cao tuổi, (2) Luật An toàn thực phẩm, (4) Luật Đo lường, (5) Luật Tổ chức chính quyền địa phương, (6) Luật Thú ý, (7) Luật Dự trữ quốc gia và (8) Luật Giáo dục nghề nghiệp. Về vấn đề này, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với việc sửa đổi, bổ sung các luật có nội dung đơn giản về kỹ thuật, không ảnh hưởng đến kết cấu của các luật có liên quan đến hoạt động quy hoạch ngay trong Điều 69 của dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị hồ sơ liên quan đến nội dung này chưa đáp ứng đầy đủ quy định của Điều 37 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chưa có báo cáo đánh giá tác động chính sách, chưa có báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật, chưa có bản tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với các nội dung đề xuất sửa đổi quy định tại Điều 69, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

Ngoài ra, do các Luật được đề xuất sửa đổi tại Điều 69, thuộc lĩnh vực phụ trách, theo dõi của các Ủy ban khác nhau của Quốc hội, nên cần có ý kiến tham gia chính thức của các Ủy ban này, bảo đảm các quy định được sửa đổi, bổ sung là chính xác, đầy đủ và thống nhất trong hệ thống pháp luật. Thường trực Ủy ban Kinh tế đã có công văn gửi một số cơ quan của Quốc hội để đề nghị có ý kiến. Theo đó, Ủy ban Pháp luật đã có Báo cáo số 824/BC-UBPL14 ngày 14/9/2017 tham gia thẩm tra dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó đề nghị ngoài những nội dung đề xuất sửa đổi như trong dự thảo Luật Quy hoạch, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu một số điều, khoản của Luật Tổ chức chính quyền địa phương có quy định về vấn đề quy hoạch và thẩm quyền quyết định quy hoạch để xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ cho phù hợp và bảo đảm thống nhất với dự thảo Luật Quy hoạch. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan để đề xuất các quy định cần sửa đổi, bổ sung trong các luật có liên quan đến hoạt động quy hoạch, có nội dung đơn giản để quy định ngay tại Điều 69 của dự thảo Luật Quy hoạch trình Quốc hội.

Thảo luận tại Phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét, ý kiến vào những nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi điều chỉnh; quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra hệ thống quy hoạch; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch… Một số ý kiến đề nghị làm rõ thêm việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu Luật Quy hoạch không được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 thì sẽ lỡ mất kỳ quy hoạch tiếp theo (giai đoạn 2021- 2025) do không kịp sửa đổi các luật có liên quan. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát lại theo đúng tinh thần của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo và đúng mục tiêu Trung ương đề ra, cố gắng hoàn chỉnh dự thảo luật và không có lý do gì để không trình tại Kỳ họp thứ 4.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật; nhất trí rà lại, sửa lại Điều 23, 24, 26,27,28, nhưng đảm bảo nguyên tắc theo quy định của luật này. Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Chính phủ thống nhất quản lý về quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan giúp Chính phủ quản lý, là đầu mối chính chịu trách nhiệm; các bộ khác theo sự phân công của Chính phủ; sẽ đưa vào trong Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2018 về việc một luật sửa các luật liên quan đến nội dung về quy hoạch và kèm theo nghị quyết để có bước chuyển tiếp, với tinh thần các quy hoạch đã có hiệu lực thì tiếp tục đến hết năm 2020 gắn với cả giai đoạn phát triển kinh tế của đất nước. Còn từ 1/1/2021 thì theo Luật quy hoạch mới. Bên cạnh đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng thống nhất hiệu lực thi hành của Luật quy hoạch vẫn là 1/1/2019. Đây là cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương, cũng như toàn quốc chuẩn bị cho quy hoạch 5 năm tiếp theo.

Quang Minh

Các bài viết khác