Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt

11/09/2017

Sáng 11/9, tại phòng họp Tân Trào- Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt. Đây là Dự án Luật sẽ được trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vào tháng 10 tới.

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt gồm 6 Chương với 78 Điều và 4 Phụ lục; quy định về quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế- xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước tại 3 đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt là Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; Bắc Vân Phong tỉnh Khánh Hòa và Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về Dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt       Ảnh: Đình Nam

Trình bày Tờ trình về Dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Dự án Luật sẽ áp dụng tại một số khu vực có ranh giới địa lý xác định nên cần mạnh dạn cho phép thực hiện các chính sách mới, đột phá và đặc biệt về kinh tế- xã hội. Các chính sách này cần được quy định với mức ưu đãi cao hơn và thuận lợi hơn so với quy định của các luật hiện hành áp dụng cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghiệp cao, không trái với Hiến pháp và các cam kết quốc tế của Việt Nam, bảo đảm vượt trội và cạnh tranh với khu vực và quốc tế.

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương được xây dựng tại dự thảo Luật bảo đảm tính đột phá, khác biệt, phù hợp với đặc điểm của đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, nhưng phải bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh; ổn định và phát triển toàn diện về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường. Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt phải có bộ máy quản lý hành chính tinh gọn; có thẩm quyền phù hợp, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và điều hành các mặt hoạt động của đơn vị đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt; được áp dụng thủ tục hành chính thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân theo chuẩn mực quốc tế…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, cơ quan soạn thảo làm rõ hơn một số nội dung, cụ thể, ở nước ta hiện đang tồn tại các mô hình khu kinh tế khác nhau. Về cơ bản, các mô hình khu kinh tế này khi thành lập đều được hưởng nhiều ưu đãi về đầu tư, thuế, đất đai…; đề nghị đánh giá kỹ hơn hiệu quả của việc thực hiện các chính sách ưu đãi đối với các mô hình này trong thời gian vừa qua, từ đó làm rõ hơn cơ sở thực tiễn của việc quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Đáng lưu ý, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của đơn vị đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt là có sự hỗ trợ ban đầu của Chính phủ để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là một trong những khó khăn chủ yếu dẫn đến các mô hình khu kinh tế hiện nay chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị đánh giá cụ thể hơn về khả năng hỗ trợ của Trung ương đối với đơn vị đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để bảo đảm sự thành công của mô hình này…

Thảo luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh, Dự thảo Luật có thể tạo đột phá, nổi trội về kinh tế, thương mại nhưng phải lấy nguyên tắc ổn định về quốc phòng- an ninh, toàn vẹn lãnh thổ là cái cốt. Bởi lẽ, 3 đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc như dự thảo đều là những khu trọng yếu, đặc biệt quan trọng về quốc phòng- an ninh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại Phiên họp

Một số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, đối với 3 đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, dự thảo Luật đề xuất xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng không tổ chức cấp chính quyền địa phương (không tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân). Tại các đơn vị này, chính quyền địa phương là Trưởng đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, là người có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế- xã hội trên địa bàn. Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, các cơ quan khác của Nhà nước ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chịu sự giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao tại đơn vị.

Về cơ chế tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề xuất, ưu đãi của dự thảo Luật là xin cơ chế, chứ không xin ngân sách. Ở thời điểm đầu, ngân sách nhà nước có thể hỗ trợ đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, nhưng sau này, đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt phải từ cơ chế tạo ra tiền, tạo ra ngân sách, tự quyết ngân sách của mình và đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra một số ý kiến khác cũng đề nghị cần thiết thành lập các đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt; đồng tình để Trưởng Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cần phải có đánh giá tác động đến quốc phòng an ninh, đến phân bổ dân cư; việc thực hiện giám sát thế nào... khi xây dựng Luật.

PV tổng hợp