Hội nghị chuyên đề về xây dựng pháp luật và triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội

08/09/2017

Ngày 8/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp cùng Chính phủ tổ chức Hội nghị chuyên đề về xây dựng pháp luật và triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội nghị.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn phải điều chỉnh nhiều lần

Trình bày Báo cáo chuyên đề về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, kế thừa kết quả đạt được từ các nhiệm kỳ trước, công tác xây dựng luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay tiếp tục có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Trong đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật ngày càng quan tâm hơn đến công tác xây dựng pháp luật với tinh thần trách nhiệm cao; coi xây dựng pháp luật là công việc quan trọng và đã dành nhiều thời gian công sức để thực hiện. Tính dân chủ, công khai, minh bạch, chất lượng hoạt động lập pháp ngày càng được tăng lên. Công tác lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có sự đổi mới. Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình đã có nhiều cải tiến, các giải pháp đưa ra cụ thể hơn với quy định rõ hơn về trách nhiệm của từng cơ quan có thẩm quyền.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp                                       Ảnh: Đình Nam

Công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, lấy ý kiến tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh có nhiều cải tiến và chất lượng hơn; việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Việc thảo luận, thông qua dự án Luật tại kỳ họp Quốc hội được thực hiện đúng quy định và chất lượng ngày càng cao hơn; coi trọng các ý kiến tranh luận, tổng hợp và tiếp thu giải trình kỹ lưỡng và bài bản các ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng chỉ ra, bên cạnh những kết quả đạt được nhưng vẫn còn những hạn chế, thiếu sót dẫn đến việc Chương trình phải điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn không bảo đảm thực hiện được đúng kế hoạch đề ra. Chất lượng một số văn bản chưa cao, thiếu tính khả thi. Cụ thể, trong việc lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; nhiều bộ, ngành chưa thực sự quan tâm, đầu tư thời gian, công sức cho việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; việc thực hiện còn lúng túng, chưa kịp thời; nhiều đề nghị, kiến nghị chưa thực sự có đầy đủ căn cứ khoa học, thực tiễn. Ở một số dự án luật, cơ quan soạn thảo chưa phát huy hết trách nhiệm trong chuẩn bị; kỹ thuật văn bản còn nhiều điểm chưa thống nhất; việc tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án có lúc còn hình thức; công tác thẩm định một số văn bản chưa được quan tâm đúng mức; thời gian Chính phủ dành cho việc thảo luận, thông qua các dự án luật vẫn còn ít. Cơ quan thẩm tra trong một số trường hợp chưa thực sự thẳng thắn, thiếu kiên quyết trong việc bảo vệ quan điểm; việc bố trí thời gian thảo luận, cho ý kiến về một số dự án luật lớn, có nội dung phức tạp tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội còn ngắn; nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu dài, trùng lặp ý, ít nội dung cụ thể; một số Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến còn hình thức, một số báo cáo tổng hợp ý kiến còn sơ sài.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, trong thời gian tới, khối lượng công việc phải thực hiện rất nhiều, kế hoạch bổ sung điều chỉnh Chương trình chưa rõ ràng, đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải đề cao trách nhiệm hoàn thành đúng, đầy đủ, kịp thời nhiệm vụ xây dựng pháp luật được giao; đồng thời đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền đề phát huy ưu điểm và những kết quả đạt được; khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, đưa công tác xây dựng pháp luatask ngày càng đạt được những kết quả đáng khích lệ hơn.

Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, trong báo cáo của Ủy ban Pháp luật cũng đã đưa ra các kiến nghị cụ thể với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; với Chính phủ, các cơ quan chủ trì soạn thảo và các kiến nghị cụ thể với Bộ Tư pháp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác.

Đề nghị Chính phủ phải có trách nhiệm đến cùng với dự án luật

Tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung đánh giá việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; thảo luận về biện pháp để đẩy mạnh công tác xây dựng luật pháp lệnh và các biện pháp triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những tháng cuối năm 2017 và trong năm 2018, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động. Các đại biểu đánh giá cao với các nội dung báo cáo được trình bày tại Hội nghị, bày tỏ đồng tình với nhận định công tác xây dựng pháp luật có nhiều cố gắng, chất lượng, số lượng các văn bản có nhiều cải tiến, tuy nhiên vẫn có nhiều hạn chế nhiều năm chậm được khắc phục như chương trình thay đổi nhiều lần, hạn chế trong nội dung dự án trình…

Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Mai Bộ phát biểu 

Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Mai Bộ nêu rõ, hiện nay nhiều dự án luật trình lên Quốc hội không bảo đảm chất lượng, nội dung sơ sài mâu thuẫn với luật khác, báo cáo đánh giá tác động rất sơ sài dẫn đến tính khả thi không cao nếu được ban hành trong khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rất rõ các quy trình. Tuy nhiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội lại không mạnh dạn trả lại các dự án luật không bảo đảm chất lượng nên sau khi cho ý kiến lần 1 tại Quốc hội thì dự án luật lại trao cho cơ quan thẩm tra, khi đó cơ quan thẩm tra lại làm nhiệm vụ của cơ quan soạn thảo và với thời gian gấp rút thì khó bảo đảm chất lượng. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ đề nghị cần phải bổ sung quy định trong trường hợp chất lượng dự án luật được gửi sang Quốc hội không bảo đảm thì các cơ quan của Quốc hội mạnh dạn trả lại cơ quan soạn thảo để hoàn thiện theo đúng quy định.

Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị phải tăng cường trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý về dự thảo luật của đại biểu Quốc hội sau mỗi kỳ họp. Do đó, cần sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành theo hướng cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cùng quan điểm, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đề nghị sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng Chính phủ phải có trách nhiệm đến cùng với dự án luật đến khi Quốc hội thông qua, đặc biệt là tăng cường trách nhiệm, sự tham gia của Chính phủ trong quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, sau một ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, trên cơ sở nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu trách nhiệm, thẳng thắn, cụ thể, phân tích, đề xuất nhiều nội dung và giải pháp thiết thực để tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, Hội nghị kết thúc đạt được mục tiêu đề ra và thể hiện quyết tâm trong xây dựng chương trình luật, pháp lệnh của Quốc hội các tháng cuối năm 2017 và năm 2018 có chất lượng, bảo đảm tiến độ.

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục dành thêm thời gian để thảo luận về các dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ, tránh tình trạng khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau của các Bộ. Đề nghị, Chính phủ phải kiên quyết xử lý đối với những dự án chưa đủ hồ sơ, chưa đúng quy trình, chậm tiến độ, chất lượng chưa bảo đảm cần phải dừng lại không nên trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện bảo đảm chất lượng.

Đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan soạn thảo trong suốt quá trình xây dựng văn bản từ khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện đến khi thông qua dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng pháp luật; đặc biệt là chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung chất lượng đến tiến độ trình dự án, dự thảo luật do cơ quan mình chủ trì, chuẩn bị. Khắc phục triệt để tình trạng chậm gửi hồ sơ dự án đến cơ quan thẩm định, Chính phủ, cơ quan thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, trưởng ngành phải có mặt tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội để báo cáo giải trình khi được yêu cầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội dành thêm thời gian để thảo luận về các dự án luật lớn, dự án luật phức tạp còn nhiều ý kiến khác nhau. Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thẩm tra kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí thời gian thảo luận sao cho phù hợp.

Về các dự án luật cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 4 dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông quá 6 dự án luật và cho ý kiến về 12 dự án luật khác. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra làm việc thống nhất rà soát, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, nội dung cụ thể báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.