Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên

08/09/2017

Sáng 8/9, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng do Phó Chủ nhiệm Ngô Thị Minh làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên về tình hình thi hành Luật Giáo dục.

Đoàn giám sát làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên

Một trong những vấn đề nổi bật Đoàn ghi nhận tại địa phương là việc đẩy mạnh phân luồng sau Trung học cơ sở và định hướng nghề nghiệp ở Trung học phổ thông. Theo báo cáo số 1742/BC-SNV ngày 28.10.2016 của Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên, toàn tỉnh có 5.838 học sinh, sinh viên (không tính sinh viên cử tuyển) tốt nghiệp trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên chưa có việc làm, chưa có việc làm ổn định và có việc làm nhưng không đúng ngành đào tạo. Số sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường có trình độ trung cấp trở lên chưa có việc làm theo đúng ngành nghề đào tạo là 228 người (đại học 93 người, cao đẳng 35 người, trung cấp 100 người), trong đó ngành sư phạm 82 người.

Trước thực trạng trên, cộng với đặc điểm là một tỉnh nghèo, kinh tế - xã hội kém phát triển, nhu cầu nguồn nhân lực tại địa phương hạn chế, nên công tác giáo dục hướng nghiệp, đẩy mạnh phân luồng sau Trung học cơ sở được Điện Biên chú trọng. Sau Trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh tham gia học nghề hoặc trực tiếp lao động sản xuất chiếm khoảng 25 - 30%. Xu hướng nghề nghiệp của học sinh phổ thông Điện Biên tập trung vào vấn đề việc làm. Học sinh điều kiện gia đình khó khăn thường lựa chọn các khối ngành liên quan đến lực lượng vũ trang để không phải lo chi phí học tập và có việc làm ngày sau ra trường. Phần lớn học sinh lựa chọn những ngành nghề liên quan đến lao động sản xuất có thể tìm việc ở doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm cho bản thân như: Xây dựng, công nghệ thông tin, nghệ thuật, du lịch, nông lâm nghiệp… Một bộ phận học sinh có lực học yếu đã nhận  thức rõ vấn đề nghề nghiệp, việc làm nên có xu hướng lựa chọn các ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn và đi làm ngay như: các nghề sửa chữa ôtô xe máy, điện thoại, thiết bị điện tử, làm thợ nhôm kính, thợ hàn, thợ tiện, thủ công mĩ nghệ, chụp ảnh… hoặc làm trang trại với quy mô lớn.

Giai đoạn từ 2017 - 2021, tỉnh sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân tích cực tham gia vào quá trình giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi đối tượng, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề. Thực hiện cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích đối với người học, người dạy, người sử dụng lao động nhằm thu hút một bộ phận học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở đi học nghề như: học phí, hỗ trợ chi phí sinh hoạt; hỗ trợ tạo việc làm và giới thiệu việc làm; chính sách lương, phụ cấp, chính sách đối với giáo viên.

Tuy nhiên, địa phương cũng kiến nghị tăng cường điều tra, khảo sát, dự báo và đẩy mạnh công tác kế hoạch để thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực sát thực tế, theo từng giai đoạn, ngành nghề, trình độ đào tạo; tăng cường cung cấp thông tin về thị trường lao động theo địa phương, vùng, ngành, kết nối với thông tin thị trường lao động quốc gia...

Đoàn giám sát ghi nhận nỗ lực của địa phương trong việc đẩy mạnh phân luồng sau Trung học cơ sở và định hướng nghề nghiệp; đồng thời đề nghị khảo sát nhu cầu xã hội, đào tạo gắn với sử dụng. Về một số quy định trong Luật Giáo dục hiện hành, Đoàn giám sát đề nghị địa phương nghiên cứu, có những kiến nghị cụ thể, sát thực tiễn để thu hẹp dần khoảng cách giữa giáo dục miền núi và miền xuôi, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

ĐBND