Hội đồng dân tộc Quốc hội giám sát tình hình giao đất, giao rừng tại tỉnh Điện Biên

28/08/2017

Ngày 25/8, Đoàn công tác của Hội đồng dân tộc Quốc hội do Phó Chủ tịch Nguyễn Lâm Thành làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Điện Biên về tình hình, kết quả thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006- 2016.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Điện Biên, sau 10 năm thực hiện, tổng diện tích đất đã rà soát là hơn 271.000 ha; diện tích đã được giao cho cộng đồng dân cư hơn 260.000 ha, đạt gần 98%; diện tích đã cấp quyền sử dụng đất hơn 260.000 ha, đạt 99,8%; số cộng đồng được cấp quyền sử dụng đất là hơn 1.1000, đạt 99%. Diện tích đã được giao cho hộ gia đình, cá nhân hơn 8.600 ha, đạt gần 3,2%; diện tích đã cấp quyền sử dụng đất gần 7.500 ha, đạt gần 87%; số hộ gia đình, cá nhân được giao đất, giao rừng hơn 3.300 hộ. 

Công tác giao đất, giao rừng đã mang lại những hiệu quả tích cực. Các chủ rừng là cộng đồng dân cư và hộ gia đình được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định của mỗi địa phương. Một số cộng đồng đã nâng cao thu nhập qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn. Chính sách giao đất, giao rừng góp phần nâng cao độ che phủ của rừng và hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép. Bên cạnh đó, chính sách giao đất, giao rừng đã dần thúc đẩy, phát triển các phong trào toàn dân bảo vệ rừng như thành lập các tổ đội bảo vệ rừng, các tổ canh phòng, tuần tra, ngăn chặn tình trạng phá rừng trên địa bàn. 

Tuy nhiên, việc khảo sát, đánh giá trữ lượng rừng trước khi giao rừng tại một số địa phương còn chưa chặt chẽ, nảy sinh nhiều bất cập dẫn đến sai lệch trữ lượng rừng. Quá trình thực hiện giao đất, giao rừng chưa chặt chẽ ở một số nơi đã làm phát sinh mâu thuẫn về đất đai giữa các cộng đồng giáp ranh. Một số cộng đồng đã kiến nghị chia lại rừng do số tiền nhận từ dịch vụ môi trường rừng có sự chênh lệch lớn. Công tác tuyên truyền việc thực hiện giao đất, giao rừng ở một số nơi còn hạn chế. Công tác quản lý bảo vệ rừng của một số chủ rừng còn mang tính hình thức nên vẫn còn tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép. 

Tại buổi làm việc, tỉnh Điện Biên kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; đề nghị bố trí kinh phí để thực hiện việc giao diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Điện Biên đã thực hiện trong công tác giao đất, giao rừng thời gian qua. Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội đề nghị tỉnh Điện Biên trong thời gian tới tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các địa phương, rà soát lại công tác giao đất giao rừng, nâng tỷ lệ giao đất, giao rừng cho hộ gia đình. Cùng với đó là việc xây dựng các mô hình mới nhằm tạo sinh kế cho người dân liên quan đến rừng. Đồng thời chú trọng nâng cao hiệu quả tuyên truyền để dân hiểu và nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ rừng. 

Về các kiến nghị của UBND tỉnh Điện Biên, đoàn công tác sẽ tiếp thu và trình Quốc hội để xem xét, có hướng giải quyết trong thời gian tới. 

Trước đó, trong 2 ngày từ ngày 24 đến 25/8, Đoàn công tác đã giám sát tình hình giao đất, giao rừng tại địa bàn hai huyện Điện Biên Đông và Mường Chà, tỉnh Điện Biên./. 

TTXVN