Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu trong lực lượng Công an nhân dân

21/07/2017

Trong không khí cả nước đang hướng tới Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2017), 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 bằng những nghĩa cử và hành động thiết thực, sáng 21/7, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu trong lực lượng Công an nhân dân. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự và phát biểu tại Hội nghị.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu trong lực lượng CAND     Ảnh: Trọng Đức

Tham dự Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; lãnh đạo Bộ Công an; đại diện Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ; các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng tiêu biểu; đại diện các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đền ơn đáp nghĩa của lực lượng Công an nhân dân.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ: Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng, đã có biết bao thế hệ người Việt Nam ưu tú anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu trên các mặt trận, trong đó có 14.762 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và hơn 4.297 đồng chí bị thương thuộc lực lượng Công an nhân dân. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an luôn quan tâm chỉ đạo nghiên cứu xây dựng, đề xuất ban hành và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách đối với người có công với cách mạng. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Ngành Công an, các đồng chí thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong lực lượng Công an nhân dân đã luôn phát huy truyền thống vẻ vang, nỗ lực cố gắng, vượt qua khó khăn, bệnh tật, tiếp tục phấn đấu, vươn lên đạt nhiều thành tích, chiến công trong công tác và thành công trong cuộc sống. Nhiều đồng chí đã trở thành những tấm gương sáng, những hạt nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp tích cực xây dựng lực lượng Công an nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Hội nghị hôm nay là dịp để lực lượng Công an nhân dân tri ân các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, những cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đã cống hiến một phần xương máu, tuổi thanh xuân, công sức, trí tuệ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, tôn vinh các đồng chí thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng đã đạt được những thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực công tác. Đây cũng là dịp để Công an các đơn vị, địa phương nhìn nhận, đánh giá kết quả và đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đền ơn, đáp nghĩa trong thời gian tới; làm tốt hơn nữa công tác giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", nâng cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, ý thức tự giác và trách nhiệm trong chăm sóc người có công với cách mạng; để mỗi Cán bộ, Chiến sĩ Công an nhân dân tự hào với truyền thống và trách nhiệm trước những hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Theo Báo cáo tại Hội nghị, chỉ tính từ thời ký đổi mới đất nước (năm 1986- nay), đã có 284 cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân hy sinh trong khi làm nhiệm vụ được xác nhận liệt sĩ và 1.099 cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân bị thương được xác nhận thương binh. Hiện nay, trong toàn lực lượng Công an nhân dân có 4.942 cán bộ, chiến sĩ là người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ đang công tác; trong đó, 19 đồng chí là Anh hùng Lực lượng vũ trang; 929 đồng chí là thương binh, 3.978 đồng chí là thân nhân liệt sĩ và 16 đồng chí là cán bộ Công an bị nhiễm chất độc hóa học…

Tính từ năm 2005 đến nay, Bộ Công an đã thẩm định và xác nhận hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 đối với 46 trường hợp (bao gồm cả những trường hợp đã từ trần). Lập hồ sơ đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với 125 liệt sĩ Công an nhân dân. Xác nhận thương binh đối với 936 trường hợp. Thẩm định hồ sơ và xác nhận bệnh binh đối với 51 trường hợp; xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đối với 12 trường hợp; phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đối với 73 trường hợp. Thực hiện chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước; cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, Campuchia: đã giải quyết chế độ đối với 27.394 trường hợp có thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong đó, có 367 trường hợp có từ 20 năm công tác trong Công an nhân dân trở lên được hưởng chế độ hưu trí; 1.143 trường hợp có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân được hưởng trợ cấp hàng tháng; 25.884 trường hợp có thời gian công tác trong Công an nhân dân dưới 15 năm được hưởng trợ cấp một lần, với tổng mức kinh phí thực hiện hơn 109 tỷ đồng. Giải quyết chế độ đối với 2.133 trường hợp có thời gian tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1945 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc..., trong đó có 38 trường hợp có từ 20 năm công tác trong Công an nhân dân trở lên được hưởng chế độ hưu trí; 221 trường hợp có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng và 1.874 trường hợp hưởng trợ cấp một lần, với tổng mức kinh phí thực hiện hơn 4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thiết thực hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với cách mạng; Công an các đơn vị, địa phương đã thực hiện trợ cấp hàng tháng cho thương binh, người có công với cách mạng đang công tác trong Công an nhân dân với tổng số tiền trên 33 tỷ đồng; nhận phụng dưỡng suốt đời 314 Mẹ Việt Nam Anh hùng; lập 2.033 sổ tiết kiệm tặng người có công với cách mạng; tổ chức 67.052 lượt thăm hỏi, tặng quà, với số tiền 48 tỷ 685 triệu đồng; hỗ trợ, bố trí việc làm cho 41 trường hợp là vợ, con liệt sĩ, thương binh nặng, thân nhân người có công với cách mạng; động viên, thăm hỏi đối với 596 trường hợp là cán bộ, chiến sĩ hi sinh, bị thương, bị tai nạn trong khi làm nhiệm vụ với số tiền hơn 3 tỷ đồng; tích cực, thường xuyên tham gia ủng hộ quỹ từ thiện, quỹ đền ơn đáp nghĩa ở Trung ương và địa phương....

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu tham dự Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Dân tộc ta là dân tộc anh hùng, có truyền thống yêu nước nồng nàn, kiên cường, bất khuất, cần cù, sáng tạo, đoàn kết một lòng, đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, hy sinh để xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, tự do và ngày càng phồn vinh. Trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chiến tranh biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, nước ta có hơn 9 triệu người có công với cách mạng, gần 1,2 triệu người con ưu tú đã anh dũng hy sinh; trên 800 ngàn người đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường; hàng trăm ngàn người bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man, bị nhiễm chất độc hóa học; trên 127 ngàn bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và hàng ngàn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong kháng chiến; trong đó có hơn 14 ngàn liệt sĩ, hơn 5 ngàn thương binh, bệnh binh, hàng chục ngàn người có công với cách mạng thuộc lực lượng Công an nhân dân. Ngày nay, trong thời kỳ hòa bình, vẫn có những người con phải hy sinh, phải chịu thương tật để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân và sự phồn vinh của đất nước. Chỉ tính riêng trong thời kỳ đổi mới, hơn 280 cán bộ chiến sĩ công an đã hy sinh, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ bị thương. Vẫn còn những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ, người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi ghi tạc và đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng nói chung và của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng trong lực lượng Công an nhân dân nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những hy sinh, tổn thất cùng với những chiến công, thành tích của lực lượng Công an nhân dân đã tô thắm cho trang sử vẻ vang của dân tộc, bảo vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, làm cho hòa bình, ổn định của đất nước được giữ vững, kỷ cương, phép nước được nghiêm minh, tài sản, tính mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân được bảo vệ, uy tín, vị thế của đất nước ngày càng nâng cao.

Thấm nhuần sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đền ơn đáp nghĩa; không ngừng hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật về người có công; thân nhân người có công Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm thực hiện. Đặc biệt, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng có hiệu quả thiết thực và đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, nhân văn sâu sắc; là dịp để mỗi người dân Việt Nam tri ân, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Chủ tịch Quốc hội vui mừng và cảm kích trước các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trong lực lượng Công an nhân dân luôn luôn được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đã đạt được những kết quả tích cực. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công và chính sách hậu phương Công an nhân dân được quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, chu đáo. Bộ Công an là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với đông đảo cán bộ, chiến sĩ, các tổ chức, cá nhân tham gia bằng nhiều hành động thiết thực, với những nghĩa cử cao đẹp. Hàng ngàn liệt sĩ được quy tập hài cốt, xác định danh tính. Các khu di tích lịch sử của Công an nhân dân được xây dựng, tu bổ, nâng cấp. Công an các đơn vị, các địa phương đã dành nhiều công sức và hàng trăm tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa, trợ cấp khó khăn và tạo điều kiện cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của lực lượng Công an và toàn xã hội, các đồng chí thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong Công an nhân dân luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị, nỗ lực học tập, công tác, chiến đấu; nhiều đồng chí đã lập chiến công, thành tích xuất sắc, trở thành người lãnh đạo, chỉ huy ở các cấp Công an; nhiều đồng chí trở thành những nhà khoa học, Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn ngành… Các đồng chí thực sự là những tấm gương sáng về ý chí, nghị lực và tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, là nhân tố quan trọng để xây dựng lực lượng Công an nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh- Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trao Bằng khen tặng đại diện các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đền ơn đáp nghĩa

Nhấn mạnh bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị lực lượng Công an nhân dân phải đặc biệt quan tâm đến các công tác đền ơn đáp nghĩa, trong đó cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ:

Thứ nhất, quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Do vậy, cần phải xác định công tác chăm sóc thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng là vinh dự, là trách nhiệm, là đạo lý của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, của cấp ủy, thủ trưởng các cấp và mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an với tinh thần quyết tâm cao nhất để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước, với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thứ hai, quán triệt nghiêm túc và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, thân nhân liệt sĩ. Tiếp tục làm tốt hơn công tác tu bổ, tôn tạo các công trình tưởng niệm, ghi công các anh hùng liệt sĩ và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ. Thường xuyên quan tâm công tác giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm đối với người có công và con em của họ; giúp đỡ thiết thực có hiệu quả các gia đình chính sách về vật chất và tinh thần, trước hết là đối với những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, để thực hiện bằng được mục tiêu: Các gia đình có công với cách mạng đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư. Đồng thời, phải tiếp tục rà soát để đề xuất bổ sung, hoàn thiện các chính sách ưu đãi ngày càng tốt hơn đối với người có công với cách mạng. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong Công an nhân dân để phù hợp với thực tiễn, đặc thù của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới. Tổ chức phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phải thiết thực, gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc” để đạt hiệu quả toàn diện hơn. Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc cung cấp, xác minh thông tin phục vụ xác nhận, công nhận người có công với cách mạng, xác định danh tính liệt sĩ và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; đồng thời tích cực phát hiện, điều tra, làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện chính sách người có công với cách mạng để bảo vệ quyền lợi của người có công, đảm bảo ý nghĩa, hiệu quả của chính sách đền ơn đáp nghĩa.

Đánh giá tình hình đất nước ta đang đứng trước thời cơ, vận hội mới và cả những khó khăn, thách thức, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới hết sức nặng nề, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tin tưởng sâu sắc các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân các liệt sĩ, những người có công với cách mạng của lực lượng Công an nhân dân sẽ không ngừng nỗ lực cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, tiếp tục phát huy truyền thống và những thành tích đã đạt được, luôn là những tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên, tiếp tục nỗ lực học tập, rèn luyện theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh và 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống trong sáng và bản lĩnh chính trị, góp phần ngày càng nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quang Minh