Quốc hội thông qua Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi)

19/06/2017

Ngày 19/6, Quốc hội bước vào tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 3. Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, biểu quyết thông qua Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) với 458/459 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành chiếm 93,28% tổng số đại biểu Quốc hội.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, ngày 02/6/2017, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Hầu hết, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý và Dự thảo Luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội và đã có một số ý kiến góp ý thêm nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật. Sau phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường phối hợp với Ban soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và một số cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi)

Các vấn đề chính được đại biểu Quốc hội quan tâm là về chính sách của Nhà nước đối với chuyển giao công nghệ; công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao; thẩm định công nghệ dự án đầu tư; cấp phép, đăng ký và hợp đồng chuyển giao công nghệ; các biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Liên quan đến cấp phép, đăng ký và hợp đồng chuyển giao công nghệ được quy định tại Chương III, có ý kiến đề nghị cân nhắc về việc cần thiết cấp phép chuyển giao công nghệ; về việc chấp thuận. Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ, quán triệt các yêu cầu là tránh việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng đến môi trường, Dự thảo Luật đã phân định phương thức kiểm soát công nghệ thông qua thẩm định công nghệ (Chương II), cấp phép và đăng ký chuyển giao công nghệ (Chương III). Theo đó, việc thẩm định công nghệ được thực hiện khi dự án đầu tư có ứng dụng công nghệ, còn việc cấp phép (đối với công nghệ hạn chế chuyển giao) và việc đăng ký chuyển giao công nghệ được thực hiện khi tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ. Do đó, việc thẩm định công nghệ, cấp phép và đăng ký chuyển giao công nghệ là cần thiết. Đồng thời, trong dự thảo Luật đã lồng ghép các quy định về thủ tục đầu tư với quy định về thẩm định công nghệ và giảm thời gian đăng ký chuyển giao công nghệ đến mức tối đa.

Đối với ý kiến đề nghị cân nhắc về thủ tục chấp thuận chuyển giao công nghệ, theo báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, hợp đồng chuyển giao công nghệ độc lập không gắn với dự án đầu tư thì phải qua 2 bước chấp thuận và cấp phép chuyển giao công nghệ như quy định tại Điều 28. Còn đối với chuyển giao công nghệ trong dự án đầu tư nếu đã được thẩm định công nghệ theo quy định tại Điều 14, 15 Dự thảo Luật mà công nghệ đó là công nghệ hạn chế chuyển giao thì phải lập hợp đồng chuyển giao công nghệ và không phải thực hiện thủ tục chấp thuận mà chỉ phải thực hiện cấp phép đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ này. Như vậy, là đã giảm tối đa thủ tục đối với loại chuyển giao công nghệ trong dự án đầu tư.

Về các biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định cụ thể về cơ chế giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc sở hữu nhà nước cho các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là phương thức xác định giá trị chuyển giao công nghệ; bổ sung quy định về các điều kiện đặc thù, ngoài các điều kiện chung đối với hoạt động đánh giá, định giá và giám định công nghệ đã được quy định trong Luật giá. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định về thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, quy định về chính sách thuế để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho thống nhất với Luật khoa học& công nghệ, Luật ngân sách nhà nước và các Luật về thuế. Các ý kiến này đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo, rà soát, tiếp thu, hoàn thiện và thể hiện như trong dự thảo Luật.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi)      Ảnh: Đình Nam

Tại phiên họp, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) với 458/459 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành chiếm 93,28% tổng số đại biểu Quốc hội.

Luật chuyển giao công nghệ sửa đổi gồm 6 chương, 60 điều. Luật này quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư; hợp đồng chuyển giao công nghệ; biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ; quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ.

Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) cũng quy định rõ các chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ. Đó là, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm; nâng cao trình độ, tiềm lực công nghệ quốc gia nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội. Đa dạng hóa hình thức, phương thức chuyển giao công nghệ; khuyến khích chuyển giao công nghệ từ nhiều nguồn khác nhau. Ưu tiên chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực, công nghệ phục vụ quốc phòng, an ninh từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong nước; bố trí nguồn lực đầu tư cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn; chú trọng hoạt động chuyển giao công nghệ ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ ý tưởng công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, liên kết giữa tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất, chú trọng thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước; phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; khuyến khích chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước; chú trọng lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước; thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân. Ngăn chặn, loại bỏ công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng xấu đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, sức khỏe con người.

Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2018.

Bảo Yến