Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13

25/05/2017

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 24/5, sau một ngày thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đại diện cơ quan trình dự án Luật giải trình, làm rõ các nội dung đại biểu Quốc hội đã thảo luận.

Đặc biệt, trong phiên họp buổi chiều của Quốc hội có sự tham gia dự khán của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Cu Ba do Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương José Ramón Balaguer Cabrera làm Trưởng đoàn đang có chuyến thăm làm việc và dự hội thảo lý luận lần thứ 3 giữa hai Đảng tại Việt Nam. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Cuba đã nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt từ các đại biểu Quốc hội và những người có mặt trong hội trường Diên Hồng.

Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13. Trong đó, báo cáo đề cập đến một số vấn đề lớn của dự thảo Luật như phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169); Về bổ sung Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp  (Điều 217a của dự thảo Luật); về Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235 của BLHS năm 2015); Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (Điều 317 của BLHS năm 2015); quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và việc mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại; sửa đổi một số điều luật có quy định tình tiết định lượng thành quy định tình tiết định tính (các điều 283, 284, 301, 304, 305, 306, 363 và 377 của BLHS năm 2015); các điều luật có khoản quy định nhắc lại cấu thành cơ bản.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình làm rõ các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm

Báo cáo giải trình làm rõ một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, về chính sách hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi quan điểm của Chính phủ khi trình có một sự nhất quán và tiếp tục với chính sách hình sự nhân đạo đối với trẻ em. Dưới góc độ tâm sinh lý, các em cần nhiều hơn sự khoan dung. Nếu quy định trách nhiệm hình sự quá rộng đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, đặc biệt là trong môi trường nhà tù thì tác động tiêu cực nhiều hơn tác động tích cực. Vì vậy một trong những nguyên tắc Chính phủ tuân theo khi thiết kế điều luật này đó là đối với trẻ em ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và dưới 18 tuổi nói chung thì chỉ khoanh lại ở những tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, tăng hình phạt ngoài tù và tăng biện pháp ngoài tố tụng thay vì tù tội và tố tụng. Đồng thời, qua rà soát các công ước quốc tế về quyền trẻ em cho thấy pháp luật các nước cũng quy định theo hướng tương tự.

Đối với quy định liệt kê cụ thể 28 tội tại Khoản 2 của Điều 12 thì cơ quan soạn thảo đã tiến hành xin ý kiến các cơ quan khác nhau với 23/30 bộ, ngành trung ương, 52/63 Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 16/26 cơ quan và nhiều ý kiến của các chuyên gia thống nhất phương án nên liệt kê cụ thể các tội trẻ em phải chịu.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết thêm, các chính sách hình sự đối với trẻ em cũng được quy định tương đối đầy đủ như tại Khoản 1 Điều 91 quy định rất rõ việc áp dụng các biện pháp hình sự đối với trẻ em theo một nguyên tắc chủ yếu nhằm mục đích giáo dục giúp đỡ các em phát triển lành mạnh và căn cứ vào khả năng nhận thức của các em về tính chất và mức độ của hành vi tội phạm, đảm bảo yếu tố phòng ngừa.

Liên quan đến tội phạm pháp nhân thương mại, trên cơ sở của Bộ luật hình sự 2015 quy định 31 tội, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này bổ sung hai tội đối với pháp nhân là tội rửa tiền và tài trợ khủng bố. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho hay, do đây là lần đầu quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, cho nên những vấn đề gì theo nguyên tắc, những vấn đề được hiểu tương đối chắc chắn thì sẽ quy định trong Luật vào đây, những vấn đề khác sẽ tiếp tục trong quá trình thực hiện rồi tiếp tục hoàn thiện. Theo đó, nguyên tắc cơ bản là những gì áp dụng cho cá nhân thì cũng áp dụng cho pháp nhân, trong đó có cả nội dung về phân loại tội phạm.

Về không tố giác tội phạm Khoản 3, Điều 19, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp thông tin, Bộ luật hình sự năm 1985 đã có quy định là người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác, tức là không loại trừ chủ thể nào, trong đấy có cả luật sư, người bào chữa, trong đấy có cả người thân thích. Đến Bộ luật hình sự năm 1999 tại Khoản 2, Điều 22, đã quy định rõ hơn và giới hạn đối tượng ông bà, cha mẹ, vợ chồng là những người thân thì không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu như không tố giác, trừ trường hợp liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng, song chưa quy định về người bào chữa và những đối tượng khác. Khoản 3 Điều 19 Dự thảo Luật lần này, nói rõ thêm và có nguyên tắc quy định. Điều luật đã thu hẹp đáng kể các tội mà người bào chữa phải chịu trách nhiệm.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Khoản 1, Điều 9 Luật luật sư có quy định nghiêm cấm luật sư tiết lộ thông tin về vụ việc khách hàng mà mình biết trong khi hành nghề, trừ trường hợp người đó đồng ý hoặc luật có quy định khác. Ở đây có thể hiểu rằng các quy định của dự thảo Bộ luật hình sự lần này quy định là một đặc thù mà luật quy định khác.

Liên quan đến một số điều về định tính trở lại, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chia sẻ việc định lượng hầu hết các yếu tố định tính quy định trong luật hiện hành là một trong những vấn đề thách thức nhất khi thiết kế dự thảo lần. Tuy nhiên, cũng có những nội dung không thực hiện được như Điều 283, Điều 284, Điều 301, Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 363 và Điều 373 hoặc như đối với các tội liên quan đến xâm phạm trật tự an toàn xã hội rất khó định lượng. Vì vậy, Ban soạn thảo cùng với cơ quan thẩm tra có báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội và thống nhất xin Quốc hội cho một số điều là quay trở lại định tính để đảm bảo cho chính xác, khi cần thiết thì có thể sửa được ngay ở các văn bản dưới luật.

Về tội kinh doanh đa cấp, Bộ trưởng Lê Thành Long giải trình, theo đề nghị của ác đại biểu Quốc hội, Bộ Công an, Bộ Công thương và trước thực tế một loạt các vụ lừa đảo mà nạn nhân lên đến hàng chục nghìn người như Thiên Ngọc Minh Uy, Liên kết Việt, Ban soạn thảo đã thiết kế Điều 217a và với 2 dấu hiệu là không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và không đúng với nội dung đã đăng ký. Mục tiêu của Ban soạn thảo khi quy định các dấu hiệu này và với khung hình phạt thấp là nhằm sớm có sự can thiệp và ngăn chặn hành vi vi phạm. Trong trường hợp có dấu hiệu được quy định tại Điều 174 và Điều 290 về tội lừa đảo hoặc chiếm đoạt khi đó có thể xử lý theo 2 điều này và khung hình phạt cao hơn nhiều, thậm chí 20 năm tù hoặc chung thân.

Về thuốc lá nhập lậu, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, theo pháp luật hiện hành của Luật thương mại, Nghị định 185 và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật thương mại thì coi thuốc lá nhập lậu là hàng cấm. Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng coi thuốc lá nhập lậu là hàng cấm. Ban soạn thảo đã cân nhắc rất kỹ và thấy rằng nếu quy định thuốc lá nhập lậu là hàng cấm sẽ phù hợp hơn, tức thời hơn cho đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Khẳng định Bộ luật hình sự là một bộ luật rất khó, đặc biệt việc định lượng các điều khoản định tính của bộ luật hiện hành là một thách thức đối với cơ quan trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ có nghiên cứu nghiêm túc tất cả các ý kiến góp ý từ những ý kiến liên quan đến kỹ thuật cho đến những ý kiến liên quan đến chính sách hình sự ở các điều, khoản khác nhau của dự thảo này để tham mưu cho Chính phủ, tham mưu cho Ủy ban thường vụ Quốc hội có một báo cáo tiếp thu, giải trình đầy đủ và thấu đáo.

Sau một ngày làm việc, đã có 71 vị đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu và đã có 47 đại biểu phát biểu tại hội trường. Các vị đại biểu Quốc hội đều cơ bản tán thành với bản báo cáo giải trình và dự thảo luật; đồng thời đánh giá dự thảo đã được chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc, cơ bản tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại Kỳ họp thứ hai và tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng như tại các hội nghị, hội thảo. Kết luận ngày làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, do đây là một bộ luật lớn quan trọng được sự quan tâm rất nhiều của đại biểu Quốc hội và cử tri, nên cần phải bố trí thời gian thảo luận bộ luật này ngay từ ngày đầu của kỳ họp để có thời gian tiếp thu chỉnh lý và hoàn thiện. Trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật còn một số vấn đề, ý kiến khác nhau, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan, hữu quan, tổ chức gửi phiếu để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi Quốc hội biểu quyết quyết định; đồng thời đề nghị các các cơ quan, đại biểu Quốc hội quan tâm tiếp tục đóng góp cho dự thảo này.

Bảo Yến