Đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công để bảo đảm an toàn tài chính quốc gia

17/05/2017

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, chiều 17/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. Các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng quyết toán này đã đủ điều kiện để trình ra Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp

Trình bày báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ngày 21/4/2017, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách đã chủ trì buổi làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán nhà nước để xem xét, thống nhất một số nội dung còn ý kiến khác nhau.

Về khoản hoàn thuế giá trị gia tăng chưa kịp thời, dẫn đến quyết toán chưa phản ánh chính xác số thu và bội chi Ngân sách nhà nước, tại phiên họp thứ 9 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, chưa thống nhất được phương án quyết toán số tiền 7.452 tỷ đồng đã hoàn thuế giá trị gia tăng trong năm 2015. Sau cuộc họp ngày 21/4/2017, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách, Kiểm toán nhà nước và Bộ Tài chính đã thống nhất phương án số tiền thực hoàn thuế 7.452 tỷ đồng trong năm 2015 cần được giảm trừ vào số thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời tăng bội chi Ngân sách nhà nước theo đúng quy định, bảo đảm phản ánh đúng, đầy đủ số đã hoàn thuế giá trị gia tăng như các năm trước đã xử lý.

Về khoản 30.000 tỷ đồng vốn ODA phân bổ chưa kịp thời theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, ngay sau phiên họp thứ 9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 19/4/2017 về quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 21/4/2017 về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài (vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) nguồn ngân sách trung ương năm 2015 để phân bổ kế hoạch vốn ODA tăng thêm cho các đối tượng thụ hưởng, bảo đảm đầy đủ số tiền 30.000 tỷ đồng theo dự toán đã được Quốc hội cho phép bổ sung dự toán chi năm 2015. Như vậy, đã đủ căn cứ pháp lý để quyết toán khoản 30.000 tỷ đồng nêu trên. Tuy nhiên, một số dự án ODA vẫn phải chuyển nguồn sang năm 2016 (số tiền 897,085 tỷ đồng) và chuyển nguồn sang năm 2017 (số tiền 97,242 tỷ đồng). Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng này, bảo đảm thi hành các Nghị quyết của Quốc hội cũng như các quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Về khoản thu sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước số tiền 3.555,2 tỷ đồng còn chưa thống nhất giữa Kiểm toán nhà nước với Chính phủ và Ủy ban Tài chính- Ngân sách. Tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 19/4/2017, Kiểm toán Nhà nước với Chính phủ và Ủy ban Tài chính- Ngân sách đã thống nhất nhất trí để quyết toán thu, chi số tiền 3.555,2 tỷ đồng nêu trên và đề nghị Chính phủ cần rút kinh nghiệm, bảo đảm đầy đủ thủ tục trong quản lý, sử dụng Ngân sách nhà nước. Đồng thời, để bảo đảm thực hiện đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và Luật Ngân sách nhà nước, Ủy ban Tài chính -Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát lại việc thu, chi từ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước năm 2016 và các năm tiếp theo, kịp thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội điều chỉnh dự toán chi Ngân sách nhà nước cho phù hợp, làm căn cứ để thực hiện và quyết toán Ngân sách nhà nước theo đúng quy định.

Về bội chi ngân sách và nợ công, trên cơ sở tính toán lại các số liệu sau khi đã trao đổi, thống nhất, số bội chi Ngân sách nhà nước năm 2015 là 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP thực hiện (bội chi Ngân sách nhà nước năm 2015 được Quốc hội thông qua là 256.000 tỷ đồng, bằng 5,71% GDP kế hoạch và bằng 6,10% GDP thực hiện).

Về nợ công, các chỉ số dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép nhưng dư nợ Chính phủ đã chạm trần là 50% GDP, nợ công là 61,8% GDP. Công tác quản lý nợ công còn những hạn chế như: không lập báo cáo giám sát nợ và bản tin nợ công năm 2015; theo dõi, thống kê, tổng hợp số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ, chính xác. Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rút kinh nghiệm, tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, ứng trước dự toán và tồn ngân kho bạc bảo đảm minh bạch, hiệu quả, an toàn tài chính quốc gia.

Uỷ ban Tài chính- Ngân sách đề nghị phê chuẩn quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2015 với tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.291.342 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2014, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước);  Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.502.189 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016); Bội chi ngân sách nhà nước là 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 52.288 tỷ đồng). Nguồn bù đắp bội chi Ngân sách nhà nước vay trong nước là 195.900 tỷ đồng, vay ngoài nước là 67.235 tỷ đồng.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí cao với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Tài chính- Ngân sách và Bộ Kế hoạch đầu tư đã rất trách nhiệm khi thống nhất cách xử lý bảo đảm đúng luật và phù hợp với tình hình thực tế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội để đảm bảo tuân thủ đúng Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, vấn đề cho vay, ứng trước dự toán ngân sách nhà nước hay cho vay tồn ngân kho bạc bảo đảm an toàn, hiệu quả cho tài chính quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, số quyết toán ngân sách đã được Kiểm toán nhà nước và Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất về số tổng thu, tổng chi và số bội chi ngân sách nhà nước và nguồn bồi đắp xử lý bội chi; đủ theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, đủ điều kiện để trình ra Quốc hội để thông qua quyết toán này.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất là quyết toán này đã đủ điều kiện để trình ra Quốc hội để phê chuẩn với một số yêu cầu. Thứ nhất là sẽ giảm thu 7.452 tỷ và đồng thời tăng bội chi tương ứng liên quan để đảm bảo đủ tiền hoàn thuế theo quy định; thứ hai là đồng ý cho quyết toán số tiền vay ODA là 30.000 tỷ, có quyết định phân bổ và đúng tinh thần số giải ngân thực tế đủ điều kiện để quyết toán; thứ ba là đồng ý là cho ghi thu, ghi chi 3.555, 2 tỷ đồng liên quan đến vấn đề xử lý nhà đất. Từ đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với số tổng thu, tổng chi, bội chi cũng như tỷ lệ nợ công như báo cáo của Chính phủ và yêu cầu Chính phủ tiếp thu nghiêm túc ý kiến kiến nghị của Kiểm toán nhà nước cũng như của Ủy ban Tài chính- Ngân sách. Các cơ quan của Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Tài chính, Ngân sách sẽ hoàn chỉnh các báo cáo của các cơ quan này trình ra Quốc hội để Quốc hội xem xét và phê chuẩn.

Đặng Mai