Ngày 22/5 khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

17/05/2017

Sáng 17/5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Dự kiến, Kỳ họp thứ 3 sẽ khai mạc vào ngày 22/5 và bế mạc vào ngày sáng ngày 21/6/2017.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tại phiên họp

Trình bày Báo cáo Một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 20/4/2017, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIVvà nhận được ý kiến đóng góp của một số Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và một số cơ quan hữu quan. Trên cơ sở đề nghị của cơ quan hữu quan và ý kiến của đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị bổ sung nội dung trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.

Về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tại phiên họp chiều hôm nay, trên cơ sở xem xét việc chuẩn bị thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định bổ sung hoặc không bổ sung dự án vào dự kiến chương trình kỳ họp.

Riêng đối với việc phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm 02 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: Cơ quan trình không bảo đảm tiến độ chuẩn bị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa cho ý kiến, nên không có căn cứ để bổ sung nội dung này vào dự kiến chương trình kỳ họp.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc kỹ trước khi trình Quốc hội quyết định bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp, tránh tình trạng bị áp lực về thời gian dẫn đến không bảo đảm chất lượng nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định.

Dự kiến thời gian tiến hành kỳ họp là 22,5 ngày làm việc, trong đó không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ bảy và dự kiến khai mạc vào bế mạc vào ngày sáng ngày 21/6/2017.

Về thời điểm thông qua các luật, nghị quyết trong kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, khối lượng các nội dung trình tại các kỳ họp ngày càng nhiều, nên việc bố trí thời gian thảo luận, thông qua đối với từng dự án luật, dự thảo nghị quyết phải cân đối với tổng thời gian của cả kỳ họp. Vì vậy, dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3 đã dành tối thiểu khoảng 10 ngày từ khi thảo luận tại hội trường cho đến khi biểu quyết thông qua đối với mỗi dự án luật để có thời gian tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện. Đồng thời, bố trí thời điểm thông qua các dự án luật gần ngày bế mạc kỳ họp để sau khi kết thúc kỳ họp Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban có thời gian rà soát, hoàn thiện văn bản luật cuối cùng trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực và gửi Chủ tịch nước công bố.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, đến nay, các nội dung của kỳ họp đều đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến (trừ nội dung kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; báo cáo việc giải quyết kiến nghị của cử tri). Tại phiên họp này, một số nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2, lần 3. Đến nay, có 12 dự án luật được gửi đến đại biểu Quốc hội. Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan hữu quan đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương hoàn thiện việc chuẩn bị tài liệu các nội dung kỳ họp để gửi đến đại biểu Quốc hội đúng thời gian quy định, nhất là các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 10 này.

Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành công tác chuẩn bị phục vụ kỳ họp. Nhìn chung, công tác chuẩn bị về cung cấp thông tin, tài liệu, thông tin tuyên truyền, tiếp dân, an ninh, an toàn kỳ họp và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, công tác lễ tân, hậu cần... đã được chuẩn bị tương đối chu đáo, chặt chẽ và cơ bản hoàn thành. Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với chương trình do Tổng thư ký trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý việc bổ sung Nghị quyết xử lý nợ xấu và sửa đổi một số điều của Luật tổ chức tín dụng vào chương trình kỳ họp thứ 3. Về bố trí điều hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị bố trí 1 Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ điều hành gọn nội dung của một buổi từ đầu đến cuối, không nên giữa chừng lại chuyển người điều hành.

Tán thành với việc không bố trí làm việc vào ngày thứ 7, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, thời gian này để cho các cơ quan, thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban có điều kiện tiếp thu, chỉnh lý, chuẩn bị tài liệu và các đại biểu cũng có điều kiện nghiên cứu tài liệu cho tuần tới làm việc mới.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị bổ sung vào nội dung trình Quốc hội cho ý kiến về Luật tổ chức tín dụng. Về Cảng hàng không quốc tế Long Thành, buổi chiều cùng ngày Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ bàn để quyết định có đưa chương trình hay không. Việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm thẩm phán Tòa án tối cao là công tác cán bộ nên phải đúng thẩm quyền phân công và đầy đủ hồ sơ thì mới làm, lần này không đưa vào nội kỳ họp.

Việc cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội Võ Kim Cự sẽ có thông báo cho Quốc hội trong phiên trù bị; đồng thời Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội sẽ tiến hành mặc niệm đại biểu Thích Chơn Thiện trong phiên này.

Về thời gian thảo luận ở hội trường, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giữ nguyên thời lượng chính sách giám sát về an toàn thực phẩm là 1 ngày, kinh tế - xã hội thảo luận 1 ngày; thời lượng không điều chỉnh nhưng có ghép, ví dụ chương trình giám sát thì thảo luận ghép vào chương trình xây dựng pháp luật.

Về hoạt động chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị lần này sẽ tiếp tục tinh thần đổi mới tăng tính đối thoại và trực diện những vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

Đặng Mai

Các bài viết khác