Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân

16/05/2017

Tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ 10, chiều 16/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tại phiên họp

Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.901 ý kiến, kiến nghị cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 375 ý kiến, kiến nghị cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 2.526 ý kiến, kiến nghị của Nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân chủ yếu tập trung vào các nội dung liên quan đến 6 nhóm vấn đề: sản xuất kinh doanh; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm; giáo dục, đào tạo và dạy nghề; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và công tác cán bộ; an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đại đa số cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá cao việc Chính phủ, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp trong 5 tháng qua đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội; trong đó, tập trung thực hiện nhiều giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế xã hội như: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính… Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, nhất là việc hỗ trợ, chăm lo người bị ảnh hưởng thiên tại; bồi thường thiệt hại cho bà con ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển... ; Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực; Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền đất nước được giữ vững.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri và Nhân dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng về một số yếu kém chậm được khắc phục nhiều năm như: nền kinh tế phát triển chưa thật sự bền vững, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh thấp; nợ công ở mức cao; chất lượng, năng suất lao động còn thấp; việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn rất nghiêm trọng; vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được cải thiện; tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp; hiện tượng sạt lở bờ sông, ven biển ở nhiều địa phương tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp

Trên cơ cở những ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng để phù hợp và đáp ứng được yêu cầu cấp thiết đang đặt ra hiện nay, sớm trình dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để Quốc hội xem xét thông qua. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ môi trường; triển khai quyết liệt hơn nữa việc tái cơ cấu nền nông nghiệp; khẩn trương ban hành các các quy định về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm…

Qua thảo luận, các ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung trong báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng báo cáo đã phản ánh khá đầy đủ, toàn diện về ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị báo cáo cần bổ sung thêm một số vấn đề bức xúc mà nhân dân đang quan tâm hiện nay như: bảo vệ môi trường biển, buôn lậu, xây dựng Nông thôn mới…

Tuy nhiên, để Báo cáo có rõ ràng và có chiều sâu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị, các ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân sắp xếp theo từng lĩnh vực, nên được tính toán theo tỷ lệ. Ví dụ, trong 2.901 ý kiến trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thì có bao nhiêu ý kiến kiến nghị về quản lý tài nguyên môi trường và chiếm tỷ lệ bao nhiêu. Qua đó để thấy được trong giai đoạn vừa qua, các ý kiến của nhân dân tập trung vào lĩnh vực gì là chủ yếu.

Về các nội dung kiến nghị mà Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, báo cáo nên phân tách rõ nội dung kiến nghị đối với từng chủ thể cụ thể. Ví dụ kiến nghị với Quốc hội, kiến nghị với Chính phủ để thấy rõ cử tri, nhân dân đang muốn sửa luật, chính sách hay các điều chỉnh trong quản lý điều hành của Chính phủ. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cân nhắc mật độ sử dụng các cụm từ “cử tri băn khoăn”, “cử tri lo lắng”, “cử tri lo ngại”, “cử tri kiên quyết không chấp nhận” để tránh gây cảm giác tiêu cực đối với với tốc độ tăng trưởng, sự ổn định chính trị, xã hội ở nước ta.

Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao nội dung báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cho rằng 6 nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân được tổng hợp qua báo cáo là những vấn đề rất lớn của xã hội được nhân dân cử tri cả nước quan tâm. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ thêm một số nội dung mà Ủy ban thường vụ Quốc hội góp ý để hoàn chỉnh báo cáo. Đồng thời, đề nghị Ban Dân nguyện chủ động tham gia cùng Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để hoàn thiện Báo cáo này.

Thu Phương

Các bài viết khác