Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Đề án và Nghị quyết thành lập các phường và thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa

19/04/2017

Sáng 19/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 9, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về Đề án thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa. Trên cơ sở nội dung tờ trình, báo cáo thẩm tra và các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Đề án và Nghị quyết về việc thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa với 100% thành viên tham gia biểu quyết tán thành.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày Tờ trình của Chính phủ          Ảnh: Đình Nam

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Đề án Về việc thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết việc thành lập 04 phường và thành phố là cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói chung và thị xã Sầm Sơn nói riêng.

Các xã Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh là 04 trong 11 đơn vị hành chính chính cấp xã của thị xã Sầm Sơn, có vị trí liền kề với các phường nội thị của thị xã và giáp ranh với thành phố Thanh Hóa. Trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội của các xã này đã có bước phát triển mạnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp; thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch đề ra; công tác văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao. Những thay đổi về kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hoá đã, đang đặt ra cho các xã này nhiều vấn đề cấp thiết trong quản lý cần giải quyết như: quản lý kinh tế; quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc; quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật; quản lý dân cư; phòng chống các tệ nạn; bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan và bảo vệ môi trường. Vì vậy, mô hình quản lý chính quyền nông thôn như hiện nay không còn phù hợp, cần thiết thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị.

Trong những năm qua, thị xã Sầm Sơn đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm giai đoạn 2014 - 2016 đạt 18,27%; tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2016 đạt 2.569 tỷ đồng. Tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã định hướng xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch quốc gia; Quyết định số 2623/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ thị xã Sầm Sơn cũng được quy hoạch là thành phố thuộc tỉnh đến năm 2020; thị xã Sầm Sơn cũng đã được công nhận là đô thị loại III theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Sầm Sơn lần thứ XVI đã xác định ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng thị xã Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch quốc gia, là mục tiêu để Đảng bộ và nhân dân thị xã Sầm Sơn nỗ lực phấn đấu hoàn thành, tạo tiền đề để phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Sầm Sơn trở thành thành phố đáng sống với chức năng chính là du lịch, dịch vụ mang thương hiệu đẳng cấp quốc gia và quốc tế.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh và thành lập thành phố Sầm Sơn đã bảo đảm các điều kiện quy định theo Luật tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình phát triển đô thị của thị xã, góp phần vào việc nâng cao tỷ lệ đô thị hóa của thị xã Sầm Sơn nói riêng và cả tỉnh Thanh Hóa nói chung; tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị, bảo đảm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương…

Các xã Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh đã đạt đủ 03/03 tiêu chuẩn thành lập phường thuộc thị xã gồm quy mô dân số; cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị. Thị xã Sầm Sơn đã đạt 03/04 tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh gồm quy mô dân số, loại đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, chưa đạt tiêu chuẩn tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã. Tuy nhiên, sau khi thành lập 04 phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh, thị xã Sầm Sơn sẽ đạt đủ 04/04 tiêu chuẩn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra 

Tán thành với đề xuất của Chính phủ, trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật nhận thấy việc thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa là nhu cầu khách quan, phù hợp với các quy hoạch chung, tạo điều kiện phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của thị xã Sầm Sơn; tạo động lực to lớn đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực Bắc Trung bộ. Về thực trạng phát triển, các xã Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh và thị xã Sầm Sơn đã cơ bản đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của phường thuộc thị xã và thành phố thuộc tỉnh. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật nhất trí với Đề án của Chính phủ và đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội bày tỏ tán thành sự thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa như đề xuất của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh việc thành lập đã có đầy đủ những căn cứ pháp lý quan trọng như Luật tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 bên cạnh các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng. Hồ sơ đề nghị được chuẩn bị đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật. Các nội dung liên quan đến vốn đầu tư, tổ chức bộ máy được Chính phủ và địa phương giải trình hợp lý. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng bày tỏ tán thành với đề xuất thành lập các phường thuộc thị xã Sầm Sơn đồng thời với việc thành lập thành phố Sầm Sơn.

Cho rằng các đơn vị hành chính này đã bảo đảm đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; việc thành lập các phường trước sau đó thành lập thành phố cũng bảo đảm đúng trình tự quy định, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị thành lập các phường thuộc thị xã Sầm Sơn đồng thời với việc thành lập thành phố Sầm Sơn. Việc thành lập thành phố ngay sau khi thành lập các phường cũng làm giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết. Thực tiễn cho thấy, thời gian qua Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đã quyết định thành lập một số phường đồng thời với việc thành lập thị xã, thành phố.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp

Bày tỏ ủng hộ chủ trương thành lập các phường và thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng việc thành lập các phường và thành phố Sầm Sơn đã bảo đảm các tiêu chí theo quy định của pháp luật và đúng theo ý nguyện của nhân dân địa phương. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng lưu ý Chính phủ và địa phương trong quá trình thực hiện cần phải quan tâm đến bộ máy quản lý nhà nước, không tăng về số lượng nhưng phải nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng tuân thủ các mức trong phân bổ nguồn vốn đầu tư, tránh điều chỉnh làm ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước; đồng thời chú trọng xây dựng văn hóa đô thị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Chính phủ và chính quyền tỉnh Thanh Hóa quan tâm và đề cập kỹ hơn trong đề án vấn đề quốc phòng an ninh với các nội dung như quy hoạch không gian biển, thế trận quốc phòng an ninh. Đồng thời trong quá trình thực hiện đề án cần quan tâm đến vấn đề môi trường sinh thái, đất đai, môi trường sống của người dân, bảo đảm chuyển đổi nghề cho người dân các xã ven biển thiết thực và lâu dài, đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền xây dựng môi trường văn hóa để Sầm Sơn trở thành thành phố đáng sống, giàu đẹp, văn minh và an toàn.

Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Đề án và Nghị quyết thành lập các phường và thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, qua thảo luận tại phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết thành lập 4 phường và thành phố Sầm Sơn. Việc thành lập 4 phường và thành phố Sầm Sơn phù hợp với nhu cầu khách quan, theo quy hoạch chung được Chính phủ và địa phương quyết định, đáp ứng nhu cầu đô thị hóa tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và có tác động đến phát triển vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.

Tại phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Đề án và Nghị quyết thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa với 100% thành viên tham gia biểu quyết tán thành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành hữu quan, chính quyền tỉnh sớm triển khai Đề án và Nghị quyết sau khi được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua. Trong đó, cần lưu ý các vấn đề triển khai thành lập bộ máy chính quyền đô thị bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, bảo đảm an ninh quốc phòng trật tự xã hội, môi trường, văn hóa, quan tâm đến đời sống nhân dân địa phương, kịp thời giải quyết những khiếu nại, tố cáo của người dân bảo đảm đúng quy định pháp luật.

* Cũng trong phiên họp buổi sáng, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng biểu quyết thông qua quyết định cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.

Bảo Yến