Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với tỉnh Hải Dương về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức hành chính Nhà nước

28/03/2017

Ngày 28/3, tại tỉnh Hải Dương, Đoàn giám sát của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Khắc Định dẫn đầu đã có cuộc làm việc với Tỉnh về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức hành chính Nhà nước giai đoạn 2011- 2016.

Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi làm việc với huyện Cẩm Giàng   Ảnh: P. Thủy

Tại buổi làm việc với huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, trong triển khai công việc, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện đã bám sát các văn bản của Trung ương, tỉnh nên bộ máy đã được giữ ổn định trong giai đoạn giám sát. Tuy nhiên, UBND huyện cần bổ sung thông tin để Đoàn giám sát có thêm đánh giá về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trên địa bàn.

Đối với các kiến nghị của địa phương, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị, các xã cần chủ động nghiên cứu về những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chính sách, pháp luật, từ đó đưa ra đề xuất cụ thể với UBND huyện, tỉnh. UBND huyện cần thống kê lại hệ thống đầu mối hành chính trên địa bàn, nhất là những đầu mối được thành lập do được phân cấp quản lý từ tỉnh; phải chủ động nghiên cứu việc nhất thể hóa các chức danh kiêm nhiệm ở cấp xã, từ đó đề xuất cơ chế phù hợp để triển khai ở địa phương.

Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hải Dương. Theo báo cáo của UBND Tỉnh, trong giai đoạn 2011- 2016, số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh không thay đổi, số cơ quan hành chính chỉ giảm 1 đơn vị, do chuyển Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng sáp nhập với Ban Nội chính Tỉnh ủy. Do trên địa bàn hiện có 1.098 đơn vị sự nghiệp công lập, nên UBND tỉnh đã xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp giai đoạn 2016 - 2021, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Hải Dương cũng đã triển khai thực hiện giảm mỗi năm 1,7% số chỉ tiêu, tính đến hết năm 2016 đã thực hiện giải quyết tinh giản biên chế với 208 người, trong đó chủ yếu là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 12 tỷ đồng. Báo cáo cũng nêu rõ, UBND tỉnh Hải Dương đã xây dựng và ban hành Đề án về vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn, và được Bộ Nội vụ phê duyệt. Năm 2016, Hải Dương được Chính phủ, Bộ Nội vụ giao 2.083 chỉ tiêu, so với bình quân chung của các tỉnh tương đồng về địa giới hành chính và dân số, thì số biên chế công chức của Hải Dương rất thấp, trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều, áp lực bảo đảm tiến độ và thời gian giải quyết công việc lớn. Nếu tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn sẽ gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ những năm tới.

Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hải Dương   Ảnh: P. Thủy

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng, UBND tỉnh Hải Dương đã chuẩn bị báo cáo bám sát yêu cầu, đề cương đề ra, song dung lượng thông tin chưa nhiều, các nhận định còn chung chung. Báo cáo của UBND tỉnh chỉ nêu “thực hiện đúng quy định” mà chưa rõ ưu điểm, khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương. Dù bộ máy hành chính trên địa bàn cơ bản được giữ ổn định trong giai đoạn giám sát, những việc ban hành các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chưa kịp thời (đến tháng 3.2017 vẫn còn 8/17 cơ quan chưa có quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn). Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng của Hải Dương cần làm rõ về tình trạng “lãnh đạo nhiều hơn nhân viên” ở một số cơ quan, đơn vị đã được báo chí phản ánh trong thời gian qua.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao sự cố gắng của Hải Dương trong thời gian qua, khi số biên chế được giao thấp hơn so với các địa phương có cùng điều kiện, nhưng kinh tế- xã hội đã có sự phát triển vượt bậc, đời sống người dân không ngừng tăng cao. Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cũng ghi nhận các kiến nghị hợp lý của Hải Dương liên quan đến việc phân biệt về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ giữa chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn; một số phản ánh về sự chồng chéo, mẫu thuẫn giữa các văn bản do bộ, ngành ban hành, cũng như giữa Nghị định của Chính phủ và một số thông tư của các bộ, ngành. Tuy nhiên, đề nghị cần bổ sung thông tin vào báo cáo, điều chỉnh các biểu mục, tránh gây hiểu nhầm về tổ chức bộ máy hành chính trên địa bàn.

PV tổng hợp

Các bài viết khác