Củng cố, phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước và giữa Quốc hội Việt Nam- Nghị viện Thụy Sỹ

25/03/2017

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Nhà nước (Thượng viện) Liên bang Thụy Sỹ do Chủ tịch Thượng viện Ivo Bischofberger dẫn đầu sẽ thăm chính thức nước ta từ ngày 28- 31/3/2017. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Thụy Sỹ thăm chính thức Việt Nam kể từ năm 1999.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Thụy Sỹ diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Thụy Sỹ thời gian qua phát triển tốt đẹp; trao đổi Đoàn cấp cao diễn ra khá thường xuyên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hội kiến với Chủ tịch Thượng viện LB Thụy Sĩ Hannes Germann vào năm 2014              Ảnh: VN+

Về hợp tác kinh tế, thương mại, Thụy Sỹ là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại châu Âu; đã dành cho Việt Nam nhiều quy chế ưu đãi về thương mại của Thụy Sỹ như Quy chế tối huệ quốc (MFM), Chế độ ưu đãi thuế quan phổ biến (GSP). Việt Nam là 1 trong 8 nước được Thụy Sỹ ưu tiên dành viện trợ phát triển. Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam- Thụy Sỹ trong những năm qua phát triển tích cực. Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA) trong đó có Thụy Sỹ bắt đầu khởi động đàm phán từ tháng 5/2012 và đã trải qua 13 phiên đàm phán chính thức và 1 phiên đàm phán cấp Trưởng Nhóm.

Về hợp tác giáo dục- đào tạo, Thụy Sỹ tích cực giúp đỡ Việt Nam thông qua các dự án hỗ trợ giáo dục về môi trường, quản lý và các dự án đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh. Hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục- đào tạo trong chuyến thăm Thụy Sỹ năm 2010 của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Quan hệ hợp tác nghị viện giữa Việt Nam- Thụy Sỹ đang phát triển tích cực, nhất là trong khuôn khổ đa phương, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ chung hai nước; các hoạt động trao đổi Đoàn các cấp song phương được hai Bên duy trì. Năm 2014, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã sang thăm chính thức Thụy Sỹ và gần đây là chuyến thăm của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng vào tháng 10/2016.

Quốc hội Thụy Sỹ cũng có vai trò quan trọng trong việc xem xét tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam. Quốc hội nước ta và Nghị viện Thụy Sỹ đều thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị song phương.

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng làm việc với Chủ tịch Thượng viện LB Thụy Sĩ Raphael Comte vào năm 2016            Ảnh: TTXVN

Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Thụy Sỹ thăm chính thức Việt Nam kể từ năm 1999. Việc Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Thụy Sỹ chọn Việt Nam là nước đầu tiên đi thăm kể từ khi nhậm chức Chủ tịch vào tháng 11/2016 thể hiện sự coi trọng của phía Thụy Sỹ và cá nhân Chủ tịch Ivo Bischofberger trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam. Chuyến thăm nhằm đáp lại lời mời của Chủ tịch Quốc hội nước ta đối với Chủ tịch Nghị viện Thụy Sỹ trong chuyến thăm Thụy Sỹ năm 2014 của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Thụy Sỹ đến Việt Nam lần này là sự tiếp nối trao đổi Đoàn cấp cao giữa hai nước, hai Cơ quan lập pháp; nhằm củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước nói chung, giữa Quốc hội hai nước nói riêng. Đồng thời nhằm trao đổi về các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác nghị viện trong khuôn khổ song phương, đa phương, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động của Quốc hội và các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Sang thăm chính thức nước ta lần này, thành phần Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Nhà nước (Thượng viện) Liên bang Thụy Sỹ gồm có Chủ tịch Thượng viện, Thành viên Hội đồng từ năm 2007 Ivo Bischofberger- Trưởng Đoàn; Phó Chủ tịch thứ nhất, Thành viên Hội đồng từ năm 2011, Bà Karin Keller-Sutter; Phó Chủ tịch thứ hai, Thành viên Hội đồng từ năm 2007, Bà Jean-Rene’ Fournier; Thành viên Hội đồng từ năm 2007, Bà Géraldine Savary; Thành viên Hội đồng từ năm 2003, Ông Alex Kuprecht; Thành viên Hội đồng từ năm 2007, Ông Robert Cramer; Phó Tổng Thư ký, Ban Thư ký Hội đồng Nhà nước, Bà Martina Buol; Trưởng phòng EFTA/EU và quan hệ song phương, Ông Cédric Stucky.

Quang Minh