Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh nói chuyện với Đoàn sinh viên trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore

21/02/2017

Sáng 21/2, tại Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh có buổi nói chuyện với Đoàn 80 sinh viên đến từ 25 quốc gia khác nhau đang học tập tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore- một ngôi trường có danh tiếng trên thế giới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh nói chuyện với các sinh viên

Vui mừng được chia sẻ về Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh cho biết, Singapore là đối tác chiến lược, là một trong những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Đây là dịp để Việt Nam làm quen với những nhà lãnh đạo của những tập đoàn, doanh nghiệp trong tương lai. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng bày tỏ hy vong thông qua cuộc nói chuyện này, các bạn sinh viên sẽ có thêm hiểu biết về đất nước Việt Nam từ đó quan tâm hơn đến Việt Nam.

Chia sẻ tại buổi nói chuyện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức mạnh giới thiệu về vai trò của Quốc hội trong hệ thống chính trị cũng như trong công cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam. Phó Chủ nhiệm cho biết, hiện nay, Quốc hội Việt Nam đã bước sang tuổi 71 và ở nhiệm kì thứ XIV. Thành phần đại biểu Quốc hội gồm 494 đại biểu, phản ảnh đủ thành phần trong xã hội: người dân tộc, người ngoài Đảng, phụ nữ, thanh niên, người theo tôn giáo... Trong đó số nữ đại biểu Quốc hội đạt gần 27%. Quốc hội Việt Nanm là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội có 3 chức năng cơ bản là: lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát tối cao hoạt động của nhà nước. Ngoài ra Quốc hội còn có quyền bầu ra Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, phê chuẩn việc bầu các Bộ trưởng...

Về cải cách kinh tế, Việt Nam bắt đầu quá trình đổi mới kinh tế từ năm 1986, từng bước xóa bỏ cơ chế quản lý kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp để chuyển sang nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới kinh tế tại Việt Nam là cả 1quá trình, bắt đầu từ việc cho phép tự do kinh doanh, buôn bán giữa các vùng miền, cho phép thành lập công ty và từng bước hội nhập vào khu vực và thế giới. Cùng với đổi mới kinh tế trong nước, Việt Nam từng bước bình thường hóa quan hệ với các nước như Hoa Kỳ để có cơ hội tiếp xúc với các tổ chức tài chính quốc tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh nhấn mạnh, trong quá trình đổi mới ấy, Quốc hội ban hành các đạo luật tạo cơ sở pháp lý cho việc giao thoa kinh tế để bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, quyền sở hữu tài sản, thành lập công ty... Hệ thống pháp luật đối với cải cách kinh tế ngày càng hoàn thiện, chi tiết, bao phủ hết mọi mặt của đời sống kinh tế. Quốc hội cũng phê chuẩn những hiệp định thương mại tự do quan trọng của đất nước như Hiệp định thương mại song phương Việt Nam- Hoa Kỳ, Nghị định thư gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đồng thời, Quốc hội nội lực hóa những cam kết quốc tế ấy thành những quy định của pháp luật trong nước để ngày càng tương thích với các cam kết quốc tế. Quốc hội quyết định những dự án công trình quan trọng của đất nước, phân bổ ngân sách…để thúc đẩy cải cách kinh tế. Bên cạnh đó, Quốc hội còn giám sát việc thực hiện các đạo luật, các công trình quan trọng để bảo đảm tiến trình cải cách kinh tế theo đúng tiến trình và mục đích đề ra.

Tại buổi nói chuyện, các sinh viên cũng đặt những câu hỏi về vấn đề quan tâm như chính sách xuất nhập khẩu của Việt Nam, những cơ chế của Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài, chính sách kêu gọi những sinh viên du học tại nước ngoài quay trở về đất nước...

Kết thúc buổi nói chuyện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh hi vọng Đoàn sẽ tiếp tục có những cuộc gặp gỡ bổ ích trong chuyến đi này, thu nhập được nhiều thông tin về Việt Nam giúp ích cho quá trình học tập của mình. Phó Chủ nhiệm cũng mong muốn buổi nói chuyện hôm nay sẽ kết nối nhịp cầu hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các nước bạn.

Vân Ngọc