10 sự kiện nổi bật của Quốc hội trong năm 2016

18/01/2017

Tại buổi gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí nhân dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã điểm lại "10 sự kiện nổi bật của Quốc hội trong năm 2016". Truyền tải ý kiến của Tổng thư ký Quốc hội, Ban biên tập Cổng thông tin điện tử Quốc hội xin trân trọng giới thiệu "10 sự kiện nổi bật của Quốc hội trong năm 2016" như sau:

1. Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 thành công tốt đẹp

Ngày 22 tháng 5 năm 2016, cử tri cả nước đã tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021. Cuộc bầu cử được tổ chức công khai, dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là Ngày hội của toàn dân. Đã có 67.049.091 cử tri tham gia bỏ phiếu trên tổng số 67.485.482 cử tri trong cả nước, đạt tỷ lệ 99,35%. Trong đó, tổng số người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV là 494 người; trúng cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 3.908 người, cấp huyện là 25.179 người; cấp xã là 291.273 người.


Cử tri tham gia bỏ phiếu tại Cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021          Ảnh: VN+

Thắng lợi của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; là tiền đề để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân và bảo đảm thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, kết quả của cuộc bầu cử là cơ sở để kiện toàn tổ chức, nhân sự bộ máy nhà nước trong nhiệm kỳ 2016- 2021.

2. Kỷ niệm trọng thể 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946- 06/01/2016)

Ngày 06 tháng 01 năm 2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946- 06/01/2016). Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 là thắng lợi của tinh thần yêu nước, truyền thống giữ vững độc lập, tự do của dân tộc; thắng lợi của chính thể dân chủ cộng hòa lần đầu tiên được thiết lập trên đất nước Việt Nam; thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946- 06/01/2016)

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng rằng, với truyền thống và kinh nghiệm tích lũy qua 70 năm, với ý thức trách nhiệm trước Nhân dân và tiền đồ của đất nước, nhất định Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Đồng hành cùng quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội, trong năm 2016, Văn phòng Quốc hội cũng đã tổ chức Kỷ niệm trọng thể 70 năm Ngày truyền thống Văn phòng Quốc hội (02/03/1946- 02/03/2016) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam (09/11/1946- 09/11/2016).

3. Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử

Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, với 472/484 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, bằng 95,5% tổng số đại biểu, Quốc hội đã bầu Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam- nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử nước ta. Tiếp đó, tại Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIV, với 97,77% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội tiếp tục tín nhiệm bầu Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Thị Kim Ngân giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân- nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử nước ta              Ảnh: Bảo Trân

Việc lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có nữ Chủ tịch Quốc hội thể hiện sự tin tưởng, tín nhiệm cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta với cá nhân Chủ tịch Quốc hội; đồng thời thể hiện chính sách đúng đắn trong công tác bình đẳng giới, nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo, quản lý đất nước của phụ nữ; nâng cao số lượng, chất lượng các nữ đại biểu Quốc hội trong Quốc hội; phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam.

4. Lần đầu tiên nghi thức Tuyên thệ nhậm chức được thực hiện theo quy định của Hiến pháp năm 2013

Triển khai thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, ngay sau khi được Quốc hội bầu, dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chánh án tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Tại Lễ tuyên thệ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Sẽ cùng với các vị đại biểu Quốc hội phấn đấu tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội để Quốc hội ta thật sự là một Quốc hội đoàn kết, sáng tạo và hành động vì lợi ích của nhân dân, vì danh dự và lòng tự hào của dân tộc, vì sự phát triển bền vững của đất nước”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Sẽ kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc và kinh nghiệm của các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm, nỗ lực, làm hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân”.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định: “Sẽ cùng tập thể lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao phát huy truyền thống, đoàn kết một lòng, đề cao kỷ luật, xây dựng Tòa án nhân dân trong sạch và liêm chính…”.

5. Lần đầu tiên Quốc hội quyết định hệ thống các kế hoạch trung hạn mang tính tổng thể về tài chính và đầu tư, có sự gắn kết chặt chẽ cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước năm 2016, kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2011- 2015 và thống nhất nhận định toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, các ngành, các cấp đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc triển khai thực hiện các kế hoạch đã đề ra. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng khá, lạm phát được kiểm soát, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được những kết quả bước đầu; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Đồng thời, Quốc hội cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập của đất nước như: điều hành kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; tình trạng đầu tư thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả của một số dự án; nợ công đang ở mức cao, công tác xử lý nợ xấu chưa đạt yêu cầu…

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020

Trên cơ sở đó, Quốc hội đã quyết định và thông qua các Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020, Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017, quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2017. Đây là lần đầu tiên Quốc hội quyết định hệ thống các kế hoạch trung hạn mang tính tổng thể về tài chính và đầu tư, có sự gắn kết chặt chẽ cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

6. Quốc hội tiến hành giám sát tối cao về “việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”

Thực hiện Nghị quyết số 91/2015/QH13 ngày 18/6/2015 của Quốc hội về Chương trình hoạt động giám sát năm 2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1053/NQ-UBTVQH13 ngày 04/11/2015 và Nghị quyết số 236/NQ-UBTVQH14 ngày 30/8/2016 về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010- 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Đoàn giám sát đã xây dựng đề cương báo cáo với các nội dung, yêu cầu cụ thể, gửi tới Chính phủ, các Bộ ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức các buổi làm việc, xem xét các báo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành và tổ chức giám sát tại các địa phương.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2015

Trên cơ sở xem xét Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận, ban hành Nghị quyết về “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ, các cơ quan hữu quan ở Trung ương và địa phương triển khai các biện pháp bảo đảm thực thi Nghị quyết, gắn việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp trước tình hình biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững; phấn đấu đến năm 2020 cả nước có khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

7. Quốc hội tiếp tục đổi mới, từng bước chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận

Nhằm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tổ chức và hoạt động, ngay tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành nhiều công tác đổi mới trong quy trình, thủ tục làm việc, trong đó tập trung tăng cường tính tranh luận, phản biện trong các phát biểu của đại biểu Quốc hội, từng bước chuyển từ một Quốc hội tham luận sang một Quốc hội tranh luận. Việc các đại biểu có thể giơ biển để tranh luận, đối thoại trực tiếp về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, việc các Bộ trưởng trực tiếp giải trình, tiếp thu ý kiến trong quá trình thảo luận các dự án luật, nghị quyết, báo cáo đã tạo không khí làm việc dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) giơ biển tranh luận tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV              Ảnh: TTCT

Cùng với đó, trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và xây dựng, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã dành 2,5 ngày để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn- phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Tổng cộng có hơn 200 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, hơn 35 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi tranh luận, làm rõ nhiều “vấn đề nóng” được dư luận, cử tri quan tâm.

8. Lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới

Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Saber Chowdhury và Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc gia Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) Amal Al Qubaisi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11 tại UAE. Cùng với việc lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có nữ Chủ tịch Quốc hội, đây cũng là lần đầu tiên sau 71 năm Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội.

CTQH Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp về “Đoàn kết bảo vệ một hành tinh khỏe mạnh”- Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ CTQH Thế giới

Việc tham dự Hội nghị tiếp tục thể hiện chính sách tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, phát huy vai trò và vị thế của Quốc hội Việt Nam trên các diễn đàn nghị viện khu vực và thế giới, đồng thời khẳng định chính sách bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước ta. Với chủ đề “Đoàn kết cùng định hình tương lai”, Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11 đã thảo luận nhiều nội dung về vai trò của nghị viện, sự tham gia của các nữ Chủ tịch trong việc giải quyết các thách thức vì sự tiến bộ xã hội và thịnh vượng bền vững.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu quan trọng về “Đoàn kết bảo vệ một hành tinh khỏe mạnh”. Cùng với đó, Đoàn Việt Nam cũng đã tham gia tích cực ở tất cả các phiên họp thảo luận, các ý kiến đóng góp của Đoàn được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt Việt Nam đề xuất nguyên tắc tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp và xung đột, bằng biện pháp hòa bình đã được Hội nghị tiếp thu và thể hiện trong bản “Tuyên bố chung Abu Dhabi”.

9. Năm đầu tiên Tổng thư ký Quốc hội, Ban thư ký hoạt động theo quy định mới

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, với 395/465 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, bằng 79,96% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã bầu Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giữ chức vụ Tổng thư ký Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Tiếp đó, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, với 94,13% tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Tổng thư ký Quốc hội khóa XIII Nguyễn Hạnh Phúc tiếp tục được bầu giữ chức vụ Tổng thư ký Quốc hội khóa XIV. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có chức danh Tổng thư ký Quốc hội, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của bộ máy giúp việc của Quốc hội.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Chính thức thực hiện nhiệm vụ từ ngày 1/1/2016, chức danh Tổng thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động của Văn phòng Quốc hội; có trách nhiệm tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1, Điều 98 Luật tổ chức Quốc hội năm 2014.

Giúp việc cho Tổng thư ký Quốc hội có Ban thư ký. Theo Nghị quyết số 1168/NQ-UBTVQH13 ngày 10/3/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ban thư ký gồm 15 người, trong đó có một Phó Tổng thư ký Quốc hội đồng thời là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, một Phó Tổng thư ký Quốc hội đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và 13 Ủy viên Ban thư ký hoạt động kiêm nhiệm, là người đứng đầu một số vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội.

10. Chuyển 63 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Văn phòng Quốc hội

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc và lãnh đạo TP. Hà Nội tại Hội nghị ra mắt và bàn giao VP Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội về VPQH

Ngày 22 tháng 12 năm 2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 thành lập 63 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở tách Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Văn phòng Quốc hội.

Chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương và trực thuộc Văn phòng Quốc hội nhằm tăng cường năng lực của bộ máy giúp việc cho Quốc hội, phù hợp với cách thức tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam.

Khép lại năm 2016- năm đầu tiên trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội bắt đầu nhiệm kỳ trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Bước vào giai đoạn phát triển mới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản do thành tựu của công cuộc đổi mới 30 năm qua mang lại, đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đặt ra cho Quốc hội, các đại biểu Quốc hội những nhiệm vụ nặng nề nhưng cao cả.

Với sự tín nhiệm, tin tưởng, Nhân dân và cử tri kỳ vọng Quốc hội khóa XIV sẽ kế thừa, phát huy những thành tựu của những khóa trước, tiếp tục đổi mới nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mình trong thời gian tới đây.

Ban biên tập Cổng TTĐT Quốc hội