Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Cảnh vệ

10/01/2017

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 6, chiều 10/1, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật cảnh vệ. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp                                Ảnh: Đình Nam

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật cảnh vệ. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh đã phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình chỉnh lý dự thảo Luật. So với dự thảo Chính phủ trình, nhiều nội dung của dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý và có sự thay đổi, cụ thể đã rút xuống còn 33 Điều.

Trình bày Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến về dự thảo Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt cho biết, một số ý kiến nhất trí với dự thảo Chính phủ trình về thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc điều chỉnh hoặc bổ sung đối tượng cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ (quy định tại khoản 5 Điều 10 dự thảo Luật). Tuy nhiên một số ý kiến đề nghị bỏ khoản này vì cho rằng, việc điều chỉnh, bổ sung đối tượng cảnh vệ là liên quan đến nội dung của Luật, đồng thời các biện pháp cảnh vệ chủ yếu hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do Quốc hội quy định. Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho rằng, để bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013, đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho bỏ thẩm quyền bổ sung các biện pháp cảnh vệ và chỉnh sửa lại khoản này là: “Căn cứ vào tình hình an ninh, chính trị trong từng giai đoạn, xét thấy cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung đối tượng cảnh vệ”.

Về vấn đề yêu cầu bổ sung tổ chức lực lượng Cảnh vệ ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quân khu, quân chủng, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ủy ban Quốc phòng- An ninh nhận thấy, kế thừa quy định của Pháp lệnh Cảnh vệ, tổ chức của lực lượng Cảnh vệ trong Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an và lực lượng Cảnh vệ trong Cục bảo vệ An ninh quân đội thuộc Bộ Quốc phòng là phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặc biệt của công tác cảnh vệ và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ. Nếu tổ chức lực lượng này ở các địa phương, đơn vị sẽ làm tăng biên chế, ngân sách. Hơn nữa, nhu cầu cảnh vệ ở địa phương không thường xuyên. Thực tế cho thấy, khi có đối tượng cảnh vệ hoạt động tại địa phương thì Công an, quân sự và các lực lượng khác cũng đã phối hợp và tham gia bảo vệ

Về sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ, dự thảo Luật quy định việc nổ súng của lực lượng Cảnh vệ trước hết phải thực hiện theo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đồng thời bổ sung quy định các trường hợp nổ súng riêng đối với lực lượng này là cần thiết, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ công tác cảnh vệ. Tuy nhiên, để tránh lạm dụng việc nổ súng xâm phạm tính mạng của đối tượng có hành vi đang tấn công trực tiếp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh đã thay cụm từ “Để tiêu diệt đối tượng” tại điểm c khoản 2 dự thảo Luật bằng cụm từ “Vô hiệu hóa đối tượng”.

Bên cạnh đó, về ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc ưu tiên sử dụng công cụ hỗ trợ trước khi nổ súng và đề nghị bổ sung quy định về việc nổ súng của cảnh vệ nước ngoài tại Việt Nam, đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng- An ninh  cho rằng, việc sử dụng công cụ hỗ trợ đã được dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ điều chỉnh. Đối với lực lượng Cảnh vệ nước ngoài vào Việt Nam thì việc mang vũ khí và sử dụng vũ khí phải tuân thủ Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận trên cơ sở có đi có lại giữa các quốc gia và thực hiện theo quy định của Luật này. Do đó, đề nghị không bổ sung các nội dung trên vào dự thảo Luật.

Ngoài ra, để bảo đảm thống nhất với khoản 3 Điều 32 Hiến pháp năm 2013 và Điều 24 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản, Ủy ban Quốc phòng- An ninh đề nghị bỏ thẩm quyền trưng dụng tài sản của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tại điểm c khoản 1 và của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ tại điểm đ khoản 3 Điều 22 và ở khoản 1 Điều 24 dự thảo Luật; đồng thời bổ sung đối tượng huy động gồm “phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó” tại khoản 1 Điều 24 cho thống nhất với dự thảo Luật.

Ủy ban Quốc phòng- An ninh thấy rằng, do đặc thù của công tác cảnh vệ hoạt động với yêu cầu, cường độ cao, mọi lúc, mọi nơi nên dự thảo Chính phủ trình có chương khen thưởng và xử lý vi phạm là cần thiết. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tránh chồng chéo ngay trong dự thảo Luật, đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý cho chỉnh lý lại Điều 33 dự thảo Luật về quy định khen thưởng như sau: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ khi có thành tích thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật”. Đồng thời, bỏ nội dung khoản 2 tại Điều 34 về xử lý vi phạm vì chính sách, pháp luật hiện hành đã có quy định chung về xử lý kỷ luật, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý hình sự đối với công dân nữ khi mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại  phiên họp                            Ảnh: Đình Nam

Tại phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung trong Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến về dự thảo Luật Cảnh vệ của Ủy ban Quốc phòng- An ninh. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự thảo Luật Cảnh vệ lần này đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 cũng như ý kiến thảo luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp  trước và có bố cục gọn gàng, sử dụng từ ngữ hợp lý hơn. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, việc thay thế cụm từ tiêu diệt đối tượng” thành “vô hiệu hóa đối tượng” là rất hợp lý và thông minh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, lực lượng cảnh vệ thống nhất chỉ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, chứ không làm lực lượng này ở địa phương vì lãng phí, khi cần phối hợp với công an địa phương thì có thể đảm bảo được. Cảnh vệ nên bố trí ở khu vực phía Nam, miền Trung, không cần tỉnh nào cũng có lực lượng này. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, đây là một dự án luật gọn gàng và được sự đồng thuận rất cao, các bộ, ngành đã không còn ý kiến khác trong lần thảo luận này.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, sau phiên họp này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh tiếp tục phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo luật, gửi xin ý kiến đoàn đại biểu Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Thu Phương