Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nhiều nội dung tiếp thu, chỉnh lý của dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

09/01/2017

Sáng 9/1, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp                                            Ảnh: Đình Nam

Trước đó, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và cơ quan soạn thảo tiếp thu chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo.

Năm vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau

Theo Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, một số vấn đề lớn của dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) còn ý kiến khác nhau là về người được trợ giúp pháp lý, tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, hình thức trợ giúp pháp lý và chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước.

Nhiều ý kiến cho rằng quy định của dự thảo luật chưa bao quát đầy đủ những người đang được trợ giúp pháp lý theo quy định hiện hành. Một số ý kiến đề nghị bổ sung một số đối tượng được trợ giúp pháp lý như hạ sĩ quan, binh sĩ làm nghĩa vụ quân sự bị buộc tội, người đi khai phá vùng kinh tế mới, người bị bệnh hiểm nghèo... Trình bày Báo cáo của Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, việc quy định người được trợ giúp pháp lý phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể. Một là thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng, chính sách dân tộc và chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi bị buộc tội, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Hai là trợ giúp đối với một số đối tượng yếu thể trong xã hội có khó khăn về tài chính.

Về tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý, nhiều ý kiến tán thành việc nâng cao tiêu chuẩn của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý để bảo đảm tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ của Nhà nước đối với người dân. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc nâng tiêu chuẩn của tất cả trợ giúp viên pháp lý tương đương tiêu chuẩn luật sư. Về vấn đề này, báo cáo của Ủy ban Pháp luật nêu rõ việc chuẩn hóa, nâng cao tiêu chuẩn đội ngũ trợ giúp viên pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, tiến tới ngang bằng với chất lượng hoạt động luật sư. Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về thời hạn tham gia đào tạo nghề luật sư đối với người tham gia trợ giúp pháp lý.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật một điều quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện của nhóm người đăng ký tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý theo hướng chặt chẽ, yêu cầu cao về chuyên môn, hiểu biết pháp luật và chủ yếu tại các vùng miền núi, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, là những vùng thiếu Trợ giúp viên pháp lý, luật sư, tư vấn viên pháp luật làm trợ giúp pháp lý. Cộng tác viên chỉ thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua hình thức tư vấn pháp luật. Trường hợp cộng tác viên đăng ký nhưng không tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời gian 01 năm thì sẽ bị xem xét chấm dứt tư cách cộng tác viên.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trinh bày báo cáo tại phiên họp

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị không quy định về Nhóm cộng tác viên thứ hai này trong dự thảo Luật. Người dân vẫn bảo đảm được hỗ trợ pháp lý thông qua các cơ chế khác, luật khác như đưa đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, luật sư đến thực hiện trợ giúp cho người dân hoặc người dân có thể tiếp cận với hoạt động tư vấn pháp luật tại địa phương theo Nghị định 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ.

Thường trực Ủy ban pháp luật cũng đề nghị tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, kế thừa Luật trợ giúp pháp lý năm 2006, tiếp tục quy định về Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong dự thảo Luật để tạo cơ sở pháp lý cho các Chi nhánh tiếp tục tổ chức và hoạt động. Đồng thời, để bảo đảm việc thành lập Chi nhánh một cách thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tế, dự thảo Luật đã được chỉnh lý quy định cụ thể các điều kiện thành lập Chi nhánh là chỉ ở những vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và ở đó chưa có tổ chức hành nghề luật sư hoặc trung tâm tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý.

Đối với quy định về hình thức trợ giúp pháp lý, Thường trực Ủy ban pháp luật thống nhất quy định việc trợ giúp pháp lý được thực hiện tập trung thông qua 3 hình thức là tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng.

Tán thành với nhiều nội dung tiếp thu, chỉnh lý của dự án Luật

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến phát biết của Ủy ban thường vụ Quốc hội đều bày tỏ thống nhất cao với nội dung báo cáo của Ủy ban Pháp luật và dự thảo Luật lần này.

Cho ý kiến về các nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, về người được trợ giúp pháp lý, dự thảo luật cần quy định một cách cụ thể, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời khẳng định việc bổ sung nhóm đối tượng đang được trợ giúp pháp lý như thân nhân của liệt sĩ; người bị nhiễm chất độc hóa học được quy định tại Nghị định số 14/2013/NĐ-CP là cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Bởi đây là nhóm người yếu thế trong xã hội đã được hưởng quyền được trợ giúp pháp lý từ năm 2013 đến nay. Việc không tiếp tục quy định các đối tượng này được trợ giúp pháp lý sẽ có thể gây ra những phản ứng không tốt trong xã hội.

Thống nhất với quan điểm phải nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc nâng cao tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý là hết sức cần thiết những phải xem xét quy định sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục quy định về Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhưng cũng cần phải tiến hành rà soát thực tiễn và quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện thành lập, bảo đảm việc thành lập Chi nhánh là thiết thực, không tràn lan.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam Lê Minh Tâm cho biết, qua thực tiễn hoạt động trợ giúp pháp lý của Hội luật gia Việt Nam cho thấy do điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau nên có sự khác biệt trong hoạt động trợ giúp pháp lý giữa các thành phố trực thuộc Trung ương với các tỉnh và giữa các tỉnh trong cả nước. Vì vậy, bên cạnh những quy định chung của luật, Bộ Tư pháp cũng cần có những hướng dẫn thực hiện sao cho phù hợp đối với từng khu vực, đặc biệt trong việc quyết định thành lập Chi nhánh Trung tâm trợ giúp pháp lý của Chủ tịch Ủy ban nhân cấp tỉnh.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nội dung báo cáo của Ủy ban Pháp luật và dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) lần này. Theo đó, tán thành với quy định về điều kiện tiêu chí để xác định rõ hơn đối tượng được trợ giúp pháp lý; thống nhất với quy định người được bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 phải hoàn thiện việc tham gia đào tạo nghề luật sư; đồng thời, đề xuất quy định thời hạn để tham gia đào tạo nghề luật sư là 03 năm kể từ ngày Luật sửa đổi có hiệu lực.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, không nên quy định cứng về việc thành lập Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ nhu cầu và điều kiện thực tế địa phương, quyết định thành lập Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước nhằm hỗ trợ người dân ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện...

Nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, trong đó có xem xét cân nhắc đến các ý kiến thiểu số để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Bảo Yến