Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dự Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân 6 tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ Nhất

06/01/2017

Sáng 4.1, tại Quảng Trị đã diễn ra Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân 6 tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2016 - 2021 với chủ đề Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tới dự.

Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy; Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải;  Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng; Thường trực Hội đồng nhân dân 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, bao gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên - Huế.

Phát biểu Khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, việc nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân để bảo đảm thực thi quyền lực nhà nước ở địa phương là một vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn rất cần được Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ thảo luận để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất; góp phần đưa Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 đi vào cuộc sống. Việc lựa chọn chủ đề nâng cao chất lượng giám sát tại Hội nghị giao ban đầu tiên của nhiệm kỳ mới 2016 - 2021 của Hội đồng nhân dân các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ nhằm góp phần đưa hoạt động của Hội đồng nhân dân có những bước tiến mới trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trao đổi với các đại biểu bên hành lang Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ vui mừng trước sự trưởng thành và hoạt động hiệu quả của Hội đồng nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ. Hội đồng nhân dân thực sự là cơ quan quyền lực ở địa phương, đại diện cho ý chí nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và cấp trên về các quyết định của mình. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cơ quan thường trực Hội đồng nhân dân đã được kiện toàn, đổi mới hoạt động, chuyên nghiệp hơn, có trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cao hơn. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đã có tác dụng tích cực trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân chưa thường xuyên, hiệu quả hạn chế, một số kiến nghị của Hội đồng nhân dân chưa được các cơ quan hữu quan thực hiện nghiêm túc và kịp thời.

Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần nâng cao chất lượng thảo luận từ các phiên họp của kỳ họp, nâng cao chất lượng các nội dung công khai, minh bạch, có tranh luận các ý kiến khác nhau. Đồng thời, cần coi trọng công tác chất vấn, đây là nội dung chủ yếu chuyển từ phương pháp tham luận sang tranh luận. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc chất vấn cần được tổ chức công khai, minh bạch, có truyền hình trực tiếp, người hỏi đặt câu hỏi rõ ràng ngắn gọn, đúng vấn đề yêu cầu thảo luận; người trả lời phải trả lời rõ ràng, cụ thể, tránh vòng vo, hoặc né tránh.

Tại Hội nghị, đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đã trình bày các tham luận tập trung đóng góp ý kiến về các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh; giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; về tổ chức bộ máy và hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh…

Các đại biểu đều cho rằng, thời gian qua hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân vẫn còn hạn chế. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã có nhiều quy định mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, do Luật mới có hiệu lực thi hành nên quá trình tổ chức thực hiện còn gặp một số khó khăn; cơ chế hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh còn nhiều bất cập, đại biểu hoạt động chuyên trách còn ít, đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc cho Hội đồng nhân dân còn mỏng… trong khi yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân, của thực tiễn cuộc sống đối với hoạt động giám sát ngày càng cao hơn. Các đại biểu đề nghị, thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới hoạt động của Hội đồng nhân dân; trong đó, việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân phải được đặt lên hàng đầu. 

(Theo ĐBND)