Tọa đàm chuyên gia về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật Cảnh vệ

24/08/2016

Chiều 24/8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Tọa đàm chuyên gia về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật Cảnh vệ. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt chủ trì buổi tọa đàm.

Tọa đàm chuyên gia về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật Cảnh vệ

Tại buổi tọa dàm, các đại biểu đều cho rằng, việc nâng Pháp lệnh cảnh vệ lên thành Luật là cần thiết, góp phần tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ đặc biệt các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các hoạt động đối ngoại và các mục tiêu trọng yếu của quốc gia, các sự kiện quan trọng, trước tình hình trong nước và trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, hoạt động khủng bố có xu hướng gia tăng, các thế lực thù địch chống phá quyết liệt.

Dự thảo Luật Cảnh vệ có kết cầu gồm 5 chương, 29 điều, quy định về đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nguyên tắc công tác cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; chế độ chính sách đối với lực lượng cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác cảnh vệ.

Phát biểu về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật Cảnh vệ, đại diện Bộ Công an, Bộ Tư lệnh cảnh vệ cho rằng, nắm chắc Luật bình đẳng giới cũng như Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 của Chính phủ, việc soạn thảo Luật Cảnh vệ đã thực hiện tốt công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào trong dự án Luật, thông qua trình tự, thủ tục xây dựng văn bản luật; các quy định về đối tượng cảnh vệ, điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng cảnh vệ, chế độ chính sách đối với lực lượng cảnh vệ…

Hơn nữa, ngay trong thực tế bố trí công tác cho cán bộ, chiến sỹ trong Bộ Tư lệnh cảnh vệ hiện nay, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tư lệnh rất chú trọng đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đặc biệt, trong vòng 5 năm, từ năm 2010- 2015, đơn vị đã tuyển dụng nâng số cán bộ nữ từ 150 lên 249 đồng chí. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng cán bộ nữ trong Bộ Tư lệnh chiếm 12.2% quân số toàn Bộ Tư lệnh.

Đa số các đại biểu tham dự tọa đàm đều đưa ra nhận định rằng, đối tượng cảnh vệ là yếu nhân không chỉ có nam giới. Trong nước, đã có nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người đứng đầu cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thuộc đối tượng cảnh vệ là nữ. Về đối ngoại, đã có nhiều nữ nguyên thủ quốc gia, phu nhân của nguyên thủ quốc gia đến thăm Việt Nam, đặc biệt là những chính khách, phu nhân của chính khách có tôn giáo. Các đối tượng này không nên và trong nhiều trường hợp không thể bố trí bảo vệ tiếp cận là nam giới.

Thực tiễn công tác cảnh vệ nước ta cũng cho thấy, cảnh vệ nữ đã khẳng định được vị thế, ưu thế, gây được ấn tượng rất tốt về năng lực và phong cách ứng xử mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam trong con mắt của chính khách quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề giới và bình đẳng giới trong công tác cảnh vệ còn rất xa so với mong muốn. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường nêu rõ, trong Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh và ngay trong dự thảo luật Cảnh vệ đều chưa hề thấy đề cập đến vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ, chiến sỹ nữ trong lực lượng cảnh vệ, mặc dù nữ phục vụ trong lực lượng này chiếm khoảng 10% so với tổng quân số. Hơn nữa, khi tìm kiếm trên mạng các tài liệu, thông tin về công tác cảnh vệ nữ cũng còn rất hạn chế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt phát biểu tại buổi tọa đàm

Qua nghiên cứu, nhiều đại biểu nhận định rằng, những quy định của dự thảo Luật Cảnh vệ mà Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vấn đề giới và lồng ghép bình đẳng giới chưa có gì tiến bộ so với Pháp lệnh hiện hành, các quy định trong dự thảo Luật vẫn diễn đạt khái quát, chung chung. Các đại biểu cho rằng, Luật chuyên ngành thì cần cụ thể hóa thêm một bước để những nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới được hiện thực hóa trong cuộc sống. Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn thiếu vắng những quy định có ý nghĩa thúc đẩy, bảo vệ, hỗ trợ nữ giới trở thành cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng cảnh vệ cũng như các chị em đã và đang phục vụ trong lực lượng này.

Luật sư Lê Thị Ngân Giang cũng cho biết, trong dự thảo Luật Cảnh vệ chỉ có các quy định trung tính về giới và hoàn toàn không có quy định phân biệt đối xử về giới. Ngoài ra, Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật Cảnh vệ cũng không đề cập đến khả năng tác động đối với mỗi giới thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cảnh vệ.

Để cải thiện được vấn đề giới, bình đẳng giới trong công tác cảnh vệ, các đại biểu đề nghị, Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh vệ cần bổ sung phụ lục kèm theo về quá trình hình thành và phát triển của lực lượng cảnh vệ, tỷ lệ nữ phục vụ trong lực lượng cảnh vệ, tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ của nữ cảnh vệ, những chính sách ưu đãi đối với nữ cảnh vệ, tính chất đặc thù, những thuận lợi khó khăn đối với nữ cảnh vệ…

Bên cạnh đó, Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật Cảnh vệ cũng cần được chuẩn bị lại, làm rõ tác động về nhận thức xã hội với công tác này theo hướng nào; tác động về giới, bình đẳng giới dưới góc độ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; tác động đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về giới và bình đẳng giới trong công tác cảnh vệ…

Đặc biệt, dự thảo Luật Cảnh vệ cần cần bổ sung nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động cảnh vệ thông qua quy định về chế độ ưu đãi đặc thù đối với lực lượng cảnh vệ, tuyển chọn người vào lực lượng cảnh vệ. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới trong công tác cảnh vệ.

Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nguyệt cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia tham dự tọa đàm; hy vọng trong thời gian tới, Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ tiếp tục nhận được những ý kiến, đóng góp từ các đại biểu, chuyên gia liên quan đến nội dung lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật Cảnh vệ.

Tin và ảnh: Thu Phương