Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giai đoạn 2005- 2015

12/08/2016

Sáng 12/8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Chính phủ, đại diện các Bộ ngành về “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giai đoạn 2005- 2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tham dự phiên họp.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc                                 Ảnh: Đình Nam

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường- Trưởng Đoàn giám sát Phan Xuân Dũng điều hành phiên họp. Tham gia phiên họp còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công An, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường… cùng các thành viên Đoàn giám sát.

Phó Trưởng đoàn giám sát- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, theo Nghị quyết số 1076/NQ-UBTVQH, Đoàn giám sát đã nghiên cứu 18 báo cáo của các Bộ ngành, 8 báo cáo của cơ quan trực thuộc Chính phủ, 5 báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 16 báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương; tổ chức 7 hội nghị, hội thảo giám sát và trưng bày sản phẩm nghiên cứu khoa học; tổ chứ 7 buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ và 8 Bộ liên quan; làm việc với 34 Ủy ban Nhân dân tỉnh; đi thực tế nhiều tổ chức khoa học, công nghệ tại các địa phương.

Cần hệ thống lại pháp luật về khoa học, công nghệ

Theo Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, trong giai đoạn 2005- 2015, hành lang pháp lý về khoa học và công nghệ nước ta đã cơ bản được hoàn thiện với nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Về cơ bản, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khoa học- công nghệ đã được nâng cao, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, nhiều quy định mới mang tính đột phá giúp khoa học, công nghệ gắn kết hơn, phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế- xã hội.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát đánh giá, hệ thống pháp luật về khoa học- công nghệ hiện tại khá cồng kềnh, phức tạp với 1 Nghị quyết Trung ương về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, 8 đạo luật, 30 Quyết định trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, 39 Nghị định, Nghị quyết để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, 231 Thông tư, Thông tư liên tịch, hơn 4.000 văn bản tạo hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách để thực hiện công tác quản lý nhà nước, khuyến khích đầu tư phát triển khoa học, công nghệ ở địa phương.

Bên cạnh đó, các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực khoa học công nghệ chưa xác định được các hướng ưu tiên phù hợp để tạo ra những đột phá mà Việt Nam có lợi thế để  hình thành các lĩnh vực khoa học, công nghệ mũi nhọn có đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới.  Do vậy, Đoàn giám sát cho rằng, trong thời gian tới chúng ta cần phải hệ thống lại pháp luật về khoa học, công nghệ theo hướng tinh gọn giúp các địa phương dễ dàng nắm được nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực này.

Kết quả phải gắn liền với hiệu quả

Theo Báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển nhiều khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia...Cho đến nay, cả nước có 3 khu công nghệ cao quốc gia đa ngành, quy mô lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; 13 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, hoạt động thu hút đầu tư và phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ tại các công trình này còn gặp nhiều khó khăn do hạ tầng kỹ thuật công nghệ còn rất hạn chế, cơ chế chính sách thu hút đầu tư chưa thực sự nổi trội… Nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong công nghiệp, nông nghiệp… mặc dù nghiệm thu có kết quả nhưng lại không hoạt động hiệu quả, nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ không thể thương mại hóa, ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Do vậy, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ cần tập trung phân tích những tác động mà kết quả của nghiên cứu khoa học, công nghệ mang lại trong báo cáo của mình: khoa học, công nghệ đã giúp gì cho việc hoạch định chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khoa học, công nghệ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng kinh tế như thế nào và kiến nghị giải pháp trong thời gian tới.

Cần có cơ chế thu hút nguồn nhân lực

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, cơ chế, chính sách về nhân lực khoa học, công nghệ có bước phát triển đáng ghi nhận khi Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và Nghị định 87/2014/NĐ-CP quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học, công nghệ ở Việt Nam; các chính sách tôn vinh các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có công trình nghiên cứu hoạt động khoa học, công nghệ xuất sắc…

Theo kết quả điều tra năm 2014, cả nước có 12.261 tiến sĩ, 45.222 thạc sĩ, 66.684 người có trình độ đại học, 4.828 có trình độ cao đẳng trong lĩnh vực hoạt động khoa học, công nghệ. Mặc dù nguồn nhân lực khoa học, công nghệ tuy gia tăng về số lượng, nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư có trình độ cao và đủ năng lực chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng quy mô quốc gia và quốc tế. Số đông các nhà khoa học trình độ cao đã hoặc sắp đến tuổi nghỉ hưu. Tình trạng hẫng hụt về thế hệ các viện nghiên cứu, trường đại học đang tiếp tục gia tăng. Tình trạng học sinh giỏi có tiềm tăng không muốn theo học các ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội nhân văn, thiếu sinh viên giỏi để đào tạo thành các nhà khoa học tài năng trong tương lai…

Đoàn giám sát cho rằng, cần có thêm nhiều chính sách ưu đãi để khắc phục tình trạng suy giảm sút các chuyên gia đầu ngành, thu hút đông đảo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, phát triển khoa học, công nghệ cùng với giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong thời gian qua, khoa học, công nghệ đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh. Tuy nhiên, trình độ khoa học, công nghệ còn rất thấp so với các nước trên thế giới và khu vực, năng lực sáng tạo công nghệ mới còn hạn chế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Đoàn giám sát và Chính Phủ tiếp thu các ý kiến và hoàn chỉnh Báo cáo của mình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3 vào tháng 9 tới.

Thu Phương