Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung chuyên đề giám sát về môi trường

25/07/2016

Sáng 25/7, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017.

Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung cụ thể sau đây: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016 (giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội giúp về nội dung giám sát); Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016 (giao Ủy ban Pháp luật giúp chủ trì về nội dung giám sát); Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng- kinh doanh- chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công tư  (PPP) (giao Uỷ ban Kinh tế giúp chủ trì về nội dung giám sát); Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh (giao Uỷ ban Quốc phòng và an ninh giúp chủ trì về nội dung giám sát)..

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu cơ bản tán thành với nội dung tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời đề xuất bổ sung giám sát chuyên đề về ô nhiễm môi trường. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa- Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị nên có chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư trong nước và nước ngoài liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên, môi trường đưa vào chương trình 2017 và tại kỳ họp 3 có giám sát chuyên đề về việc phê duyệt các dự án đầu tư nước ngoài, trong đó một trong những trọng điểm là Formosa.

Nhấn mạnh vấn đề môi trường là một trong những vấn đề được lặp đi lặp lại nhiều lần về bức xúc của cử tri, của nhân dân theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến Quốc hội, đồng thời tập hợp các ý kiến mà trong báo cáo của Quốc hội gửi, của các cơ quan, ban, ngành thì hơn 50 ý kiến có đến 28 ý kiến đề xuất về việc môi trường, đại biểu Tô Thị Bích Châu- Tp. Hồ Chí Minh cho rằng đã có đủ tiêu chí, căn cứ để tiến hành giám sát về môi trường.

Đại biểu Lê Xuân Thân- Khánh Hòa phát biểu tại Hội trường                                Ảnh: Đình Nam

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Xuân Thân- Khánh Hòa cho rằng, qua tổng hợp ý kiến các đoàn, gần 30 đoàn đều đề nghị nên có giám sát về môi trường. Các nội dung này các đoàn đều đặt ở một khía cạnh, một phạm vi tùy vào quan điểm của đoàn mà đề nghị. Tuy nhiên, từ lúc Quốc hội ban hành Luật bảo vệ môi trường năm 1993, năm 2005 và năm 2014 mới chỉ có giám sát năm 2011 nhưng phạm vi giám sát rất hẹp, chỉ ở những khu kinh tế và làng nghề để bảo vệ môi trường. Với gần 24 năm thi hành Luật bảo vệ môi trường, trước những sự cố về môi trường không chỉ của Formosa mà ở các địa điểm như sông Bưởi của Thanh Hóa, ô nhiễm sông Sài Gòn, các việc gây ô nhiễm khác, có thể thấy vấn đề môi trường là vấn đề quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội và của cử tri cả nước.

Đại biểu Quốc hội đề nghị phải giám sát xem văn bản luật có đi vào cuộc sống hay không, phải kiểm tra, kiểm soát và xem toàn diện về môi trường đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng và nhiều lĩnh vực khác, các thành phần của môi trường như luật đã nêu. Giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư trong và ngoài nước về vấn đề môi trường trong việc lập, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, trong việc tổ chức thực hiện. Đồng thời, phải kiểm tra xem thử công tác kiểm tra, đánh giá, giám sát công tác này trên thực tế ở các địa phương, ở tầm vĩ mô cả nước và ở từng địa phương như thế nào để sớm chấm dứt và làm chủ được tình hình, làm thế nào đừng để sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc- Tp. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội trường

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Phước Lộc- Tp. Hồ Chí Minh cho rằng vấn đề môi trường là rất rộng, nhiều lĩnh vực, một trong những vấn đề đáng báo động hiện nay đó là chất lượng nguồn nước của các dòng sông, nếu không dự báo ngay từ bây giờ, kiểm soát chặt chẽ việc xử lý nguồn nước ở các dòng sông của đất nước thì dự báo trong tương lai gần có thể là nguồn nước bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước và chính sự sống của dân tộc ta, nguy cơ phải nhập khẩu nước ngọt là điều đáng báo động. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc chọn nội dung này nghiên cứu sâu để đưa vào chương trình giám sát.

Bảo Yến