Khoa học và công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu là động lực và nền tảng cho phát triển KT- XH

25/05/2016

Sáng 25/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 48. Trong phiên làm việc buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyền đề Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005- 2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo

Báo cáo kết quả giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày cho biết, mục đích của giám sát là nhằm đánh giá việc ban hành, triển khai và kết quả thực hiện chính sách pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005- 2015; đề xuất và kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật để phát triển khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo giai đoạn 2016- 2021.

Qua giám sát, Đoàn giám sát nhận thấy trong giai đoạn 2005- 2015 chính sách, pháp luật về phát triển KH&CN về cơ bản đã thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của Hiến pháp. Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực xây dựng và ban hành tương đối đầy đủ một số lượng lớn văn bản, phù hợp với nội dung của luật, đảm bảo tương đối tính thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật; đã thường xuyên và chủ động rà soát chính sách, pháp luật về KH&CN nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động KH&CN đáp ứng yêu cầu thực tế; tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết đã được cải thiện. Các địa phương đã ban hành khá đầy đủ các văn bản hướng dẫn để triển khai.

Đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến năm 2010 và Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011- 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, qua 10 năm tổ chức triển khai thực hiện, một số chỉ tiêu quan trọng đề ra trong Chiến lược đã đạt được, như giá trị sản phẩm công nghệ cao (CNC) và sản phẩm ứng dụng CNC đóng góp ngày càng nhiều vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giai đoạn 2011-  2013 với tỷ trọng đóng góp theo các năm lần lượt là 11,7%; 19,1% và 28,7%; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị cơ bản đạt mục tiêu chiến lược đề ra, đạt 10,68%/năm. Tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011- 2015 gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006- 2010, tốc độ tăng bình quân là 19,5%/năm, đạt mục tiêu của Chiến lược. Số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng NSNN tăng 15- 20%/năm. Giai đoạn 2011- 2015, số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ tăng 62% so với giai đoạn 2006- 2010,…

Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp phát triển KH&CN nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của các chương trình, nhiệm vụ KH&CN; đổi mới cơ chế tài chính cho nhiệm vụ KH&CN như thủ tục thanh quyết toán, cơ chế khoán và tự chủ tài chính; bước đầu tạo cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất để khuyến khích các nhà khoa học và hình thành các doanh nghiệp KH&CN; thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng và thực hiện nhiệm vụ, chương trình KH&CN; huy động nguồn lực đầu tư tài chính cho KH&CN; phát triển hạ tầng KH&CN; phát triển tổ chức, nguồn nhân lực và doanh nghiệp KH&CN; phát triển thị trường KH&CN; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN.

Nhờ vậy, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KH&CN nhằm thúc đẩy CNH, HĐH thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Trong đó, KH&CN đã góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội và chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Giai đoạn 2011-2014, đóng góp của TFP (năng suất yếu tố tổng hợp biểu thị phần đóng góp của khoa học công nghệ trong tăng trưởng kinh tế) vào tăng trưởng GDP là 25,96%/năm và có xu hướng tăng đều qua các năm, đặc biệt năm 2014 là 39,58%. Điều này cho thấy, dưới tác động của tổng hợp các nhân tố, trong đó có KH&CN, các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất (vốn và lao động) đã được sử dụng hiệu quả hơn. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã liên tục được cải thiện. Năm 2015, Việt Nam đứng thứ 52 trên tổng số 141 nền kinh tế. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 3, chỉ sau Singapore và Malaysia (vượt qua Thái Lan). Từ năm 2006 đến 2012, Việt Nam đã tăng số lượng công bố quốc tế hằng năm khoảng gần 20%...

Tuy nhiên, báo cáo của Đoàn giám sát cũng nhận định KH&CN chưa đáp ứng được yêu cầu là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế- xã hội; cho tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế, chưa giải đáp được kịp thời nhiều vấn đề của thực tiễn đổi mới, chưa gắn kết chặt chẽ và đáp ứng được yêu cầu của phát triển kinh tế- xã hội. Nhiều quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương chưa dựa trên cơ sở của các nghiên cứu khoa học nên đã dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí và thiếu tính khả thi. Các thành tựu KH&CN chậm đi vào cuộc sống để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa phục vụ trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ phát triển về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; đầu tư cho KH&CN mới chủ yếu từ NSNN mà chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để huy động được nguồn lực xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp                              Ảnh: Đình Nam

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về bố cục, tính bao quát, tính cụ thể của báo cáo; xem xét nội dung báo cáo bám sát vào mục đích, yêu cầu của cuộc giám sát; cho ý kiến về các ý kiến liên quan đến nhận định, đánh giá của Đoàn giám sát, nêu thêm các nội dung mới Đoàn giám sát cần đi sâu từ nay cho tới tháng 9, tham gia thêm vào các kiến nghị giải pháp của đoàn, cho ý kiến về việc định hướng để ban hành nghị quyết của Đoàn giám sát và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến hoạt động giám sát này.

Các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Báo cáo cần tập trung làm rõ được các vấn đề vì sao khoa học, công nghệ chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra hôm nay hay xu hướng phát triển khoa học, công nghệ trong thời gian tới, khi hội nhập kinh tế quốc tế...; cần làm rõ hơn vai trò của công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ, hướng tập trung, mô hình phát triển cũng như chính sách…

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng, Báo cáo cần phân tích rõ hơn trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương trong quá trình cụ thể hóa đường lối, chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện. Đồng thời, bổ sung thêm các kiến nghị, các giải pháp và có thể đề xuất các chính sách cụ thể để chúng ta có thể thúc đẩy được sự phát triển khoa học, công nghệ, công nghiệp phụ trợ cũng như công nghiệp cơ khí chế tạo trong thời gian tới. Nội dung báo cáo giám sát cần thể hiện chặt chẽ hơn, tăng thêm các nhận định, đánh giá và các số liệu minh chứng.

Bảo Yến