Thách thức của nền kinh tế trong 5 năm tới

01/04/2016

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, ngày1/4, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011- 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016- 2020. Cơ bản tán thành những nội dung trong báo cáo của Chính phủ, ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong ổn định tình kinh tế- xã hội, các đại biểu cũng bày tỏ một số lo ngại về những thách thức trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn tới.

Nguy cơ phụ thuộc doanh nghiệp FDI

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nhân- Bình Dương cho biết, tính đến cuối năm 2015, doanh nghiệp FDI chiếm chưa đến 5% tổng số doanh nghiệp hoạt động, chỉ sử dụng hơn 2 triệu lao động nhưng đóng góp tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 60% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Đây cũng là khối có xuất siêu lớn nhất, gần 14 tỷ đô la. Các con số này chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng mạnh trong tương lai gần do tác động của lộ trình TPP có hiệu lực kể từ năm 2018. Các rủi ro mới xuất hiện cũng như giá nhân công tại Trung Quốc đang tăng cao đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ các chuyển biến này.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân- Bình Dương phát biểu tại Hội trường                                      Ảnh: Đình Nam

Tuy nhiên, với nhiều lợi thế về vốn và công nghệ thị trường, trình độ và kinh nghiệm quản trị khu vực các doanh nghiệp FPI chắc chắn sẽ khai thác tốt nhất các cơ hội này, tạo ra cách biệt tỷ trọng đóng góp GDP ngày càng lớn hơn so với các khu vực kinh tế còn lại. Đại biểu Phạm Trọng Nhân bày tỏ lo ngại, nếu tiến trình này liên tục diễn ra thì việc nền kinh tế tiến dần phụ thuộc vào khu vực này chỉ là vấn đề thời gian.

Trước đó, tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế- xã  hội sáng 24/3, chỉ ra rằng, nền kinh tế Việt Nam đang phát sinh mâu thuẫn nhiều mặt giữa FDI và khu vực trong nước, đại biểu Trần Du Lịch- TP.Hồ Chí Minh đặt câu hỏi liệu rằng nhà nước và nền kinh tế doanh nghiệp có tận dụng được cơ hội của xu thế hội nhập với nhiều hiệp định thương mại được đàm phán, ký kết thành công hay là thách thức.

Tại đoàn Hà Nội, đại biểu Phạm Huy Hùng cho biết, hiện nay doang nghiệp FDI chiếm tỷ lệ lớn nhưng nguồn thu từ khối này lại rất thấp. Theo số liệu đánh giá thuế thu nhập doanh nghiệp khu vực FDI chiếm tới 75% nhưng trong tổng thu ngân sách, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ đạt 37%. Đây là nghịch lý đã được phản ánh rõ. Bên cạnh đó, còn tình trạng chuyển giá giữa công ty mẹ với công ty con; mua bán ẩn giá hết đến khâu thuế là hết...

Thực tế, hiệu quả và tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư các doanh nghiệp, hay tình trạng các giải pháp kiểm soát chống chuyển giá trong thời gian qua hoàn toàn bị vô hiệu, trong khi hiện tượng dòng vốn đầu tư tiếp tục gia tăng ngay cả khi lạm phát đang ở mức thấp nhất. Nền kinh tế thực sự đang phải đối diện với cạnh tranh gay gắt. Các các nhân tố được xem là động lực, là thành tố trung tâm của năng lực cạnh tranh quốc gia đang bị đe dọa nghiêm trọng khi hội nhập toàn diện đến gần.

Cùng quan điểm với đại biểu Phạm Trọng Nhân, đại biểu Trần Ngọc Vinh- TP. Hải Phòng cũng cho rằng việc ưu đãi đầu tư quá nhiều cho các dự án FDI đã khiến cho các doanh nghiệp trong nước bị chèn ép, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu công nghiệp và dịch vụ. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng chưa thực sự hiệu quả. Việc tiếp cận nguồn vốn giãn, hoãn, khoanh nợ thuế, điều chỉnh lãi suất, xử lý nợ xấu hàng tồn kho cung cấp không thông tin, điều kiện tiếp cận thị trường... chỉ có tác dụng đối với doanh nghiệp làm ăn có lãi, còn các doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ thì không có tác dụng.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh- TP. Hải Phòng

Để nền kinh tế có bước tăng trưởng bền vững, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng các dự án FDI, chỉ nên đầu tư thu hút nguồn vốn này vào những ngành, lĩnh vực ta còn thiếu và yếu thay thế thu hút đầu tư FDI một cách tràn lan, thiếu định hướng, nội lực yếu kém của nền kinh tế, chỉ ra sự mất cân bằng giữa các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Nhấn mạnh quan điểm, phát triển bền vững phải dựa vào nội lực, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng cần phải giải quyết những mâu thuẫn trong xu thế phát triển của doanh nghiệp FDI và khối trong nước nhằm phát huy nội lực, tạo niềm tin.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân lý giải sự khác biệt trong tác động cuối cùng vào nền kinh tế giữa nội lực và ngoại lực là ở chỗ, khi mức thuế thu nhập doanh nghiệp Việt Nam từ năm 2016 là 20%, thì khi cùng làm ra lợi nhuận 100 đồng thì doanh nghiệp FDI có quyền mang ra khỏi Việt Nam 80 đồng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ giữ lại 80 đồng còn lại ở Việt Nam, chắc chắn 80 đồng lợi nhuận sau thuế còn lại đó của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục có tác động lan tỏa tích cực vào nền kinh tế Việt Nam.

Vì vậy, đại biểu đề nghị, cần phải làm mọi cách để phát triển gia tăng nội lực trong khi vẫn tiến hành quá trình hội nhập thật tốt. Cho rằng Báo cáo của Chính phủ khẳng định tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế; hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xã hội, kinh tế hộ gia đình là một chủ trương đúng đắn. Đại biểu bày tỏ mong sớm được nhìn thấy các chính sách tạo động lực một cách cụ thể, rõ ràng hơn để triển khai cho mục tiêu này.

Tái cơ cấu- thách thức gắn liền thách thức

Thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Du Lịch- TP.Hồ Chí Minh lo lắng, liệu trong 5 năm tới, chúng ta có thể tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp và công nghiệp một cách căn bản để thay đổi tình hình hay không? Theo đại biểu, nông nghiệp đang phải đối mặt với thách thức kép là rủi ro thị trường đối với sản xuất và rủi ro tự nhiên biến đổi khí hậu. Đối với công nghiệp, chuyển từ gia công sang sản xuất chưa thấy dấu hiệu tích cực nào hay với nội địa hóa sản xuất ô tô cũng không có thành công nào.

Đại biểu Trần Du Lịch- TP.Hồ Chí Minh

Nhìn nhận chung về tái cơ cấu, tại hội trường ngày 1/4, đại biểu Bùi Mạnh Hùng - Bình Phước cũng cho rằng việc đánh giá việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu là đúng. Tuy nhiên, việc đạt được kết quả bước đầu sau 5 năm thực hiện mới chỉ là một sự chuyển biến rất chậm chạp. Trước thực tiễn yêu cầu cần có sự đổi mới thật kịp thời, năng động hơn, chủ động hơn và hiệu quả hơn thì đây có thể xem là một yếu kém.

Cụ thể hơn về thách thức đối với nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé- Kiên Giang cho hay đồng bằng sông Cửu Long là vùng nông nghiệp trù phú của cả nước, với trọng trách rất quan trọng là đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước nhưng đang đứng trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Hiện nay, có 11/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn, 9/13 tỉnh đã công bố thiên tai. Xâm nhập mặn đã gây hại nặng nề tại đồng bằng sông Cửu Long ở nhiều lĩnh vực. Thiệt hại về cây trồng khoảng 2.100ha, có khoảng 1,3 triệu người bị thiếu nước ngọt trong sinh hoạt hàng ngày, rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ mức độ cảnh báo cháy ở cấp 4, cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Nắng nhiều, thiếu nước ngọt bổ sung, nhiều cánh đồng nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long khó sinh trưởng và phát sinh bệnh dịch.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nhận định, chưa bao giờ đồng bằng sông Cửu Long lại gặp khó như hiện nay. Nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời thì đồng bằng sông Cửu Long từ vùng trù phú sẽ trở thành tình trạng đói và khát. Tác động của biến đổi khí hậu buộc đồng bằng sông Cửu Long cần phải được quy hoạch lại tổng thể các vùng sản xuất cho khu vực này.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé- Kiên Giang

Trong khi đó, đại biểu Cao Đức Phát- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng cần phải quyết liệt hơn để có sự đổi mới một lần nữa trong nông nghiệp và thúc đẩy quá trình phát triển ở nông thôn. Theo đại biểu, đã đến lúc phải có một cuộc cải cách đối với nông nghiệp, phải có những chính sách mới, phải tổ chức lại sản xuất, phải tăng đầu tư cho nông nghiệp và cần phải có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị.

Cải cách thế chế thiếu đồng bộ

Hiện nay, Việt Nam đang làm rất nhiều về cải cách thể chế kinh tế, nhiều luật được sửa đổi để hội nhập như Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật phá sản, Luật kinh doanh bất động sản…Tuy nhiên, nền hành chính công với tất cả cách tổ chức hành chính như hiện nay, theo đại biểu Trần Du Lịch lại khó để cải cách.

Về vấn đề này đại biểu Phùng Văn Hùng- Cao Bằng bày tỏ, cử tri mong muốn Chính phủ phải quyết liệt hơn nữa trong cải cách hành chính, chuyển đổi nền hành chính với nhiệm vụ quản lý là chủ đạo sang nền hành chính lấy phục vụ làm trọng, đây phải được coi là tư tưởng chủ đạo của công cuộc cải cách hành chính từ trung ương xuống địa phương với một nhận thức chung coi phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp là nhiệm vụ, là trách nhiệm của mình.

Thực tiễn cho thấy, công cuộc cải cách hành chính đã thực hiện được trên 20 năm, nhưng nền hành chính nước nhà vẫn còn bộc lộ nhiều khuyết tật cố hữu, quan liêu, xa dân, bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả về hiệu lực, thủ tục hành chính nặng nề, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, chế độ và trách nhiệm công vụ không rõ ràng, thiếu minh bạch, khó quy trách nhiệm. Khẳng định, đây là rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp, phát triển kinh tế của xã hội Việt Nam, đại biểu Phùng Văn Hùng đề nghị, Việt Nam cần thiết phải tiến hành cải cách hành chính một cách triệt để, xây dựng một nền hành chính hiện đại, trong sạch, luôn đến với dân, đồng hành với dân, với doanh nghiệp để phục vụ.

Bảo Yến