Không chuyển rừng phòng hộ đầu nguồn sang rừng sản xuất

01/04/2016

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, thảo luận tại Hội trường về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016- 2020, các đại biểu bày tỏ nhất trí với tờ trình của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về phương án điều chính quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm thời kỳ cuối 2016- 2020 cấp quốc gia. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho ý kiến về tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch 5 năm qua, kiến nghị thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn tiếp theo.

Lãng phí trong sử dụng quỹ đất

Tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Việt Phương- Tuyên Quang cho biết, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm qua bên cạnh những kết quả đạt được còn một số tồn tại. Trong đó, có việc thực hiện quy hoạch chưa nghiêm, tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ những nội dung quy hoạch không còn phù hợp với thực tế chưa được coi trọng, việc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị, khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ với một diện tích lớn dẫn đến tình trang đất đai bị khoanh bao, đầu tư hạ tầng tốn kém, dàn trải nhưng khả năng thu hút đầu tư thấp.

Đại biểu Hoàng Việt Phương- Tuyên Quang phát biểu tại Hội trường                                     Ảnh: Đình Nam

Đại biểu cũng chỉ ra rằng, việc dồn điền, đổi thửa đã thực hiện từ lâu, nhưng đến nay, ở nhiều nơi vẫn còn bị phân bố, manh mún, gây trở ngại lớn cho việc ứng dụng khoa học, cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Về đất lâm nghiệp, diện tích rừng tuy có tăng nhưng rừng tự nhiên vẫn tiếp tục bị tàn phá, suy giảm cả về chất lượng và số lượng. Việc quản lý rừng còn nhiều bất cập, tác động của sản xuất lâm nghiệp đối với quá trình xóa đói, giảm nghèo còn nhiều hạn chế.

Đa số người dân ở miền núi chưa thể sống ổn định được với nghề rừng. Do đó, công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng còn rất nhiều khó khăn. Việc bố trí các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và đặc biệt là các khu dân cư, bám sát các trục đường chính đã ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mất cảnh quan đô thị, gây lãng phí trong đầu tư và hạn chế khả năng nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông. Việc mở rộng đất dành cho quốc phòng, an ninh cũng bị lấn chiếm, xâm phạm, sử dụng sai mục đích,...

Trước đó, tại phiên họp tổ, đại biểu Đỗ Văn Đương- TP. Hồ Chí Minh cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá rõ sử dụng đất tiết kiệm hiệu quả quỹ đất. Theo đại biểu, hiện nay đất đai nông lâm trường được sử dụng một cách vô cùng lãng phí, với 7- 8 triệu ha đất rừng nhưng thu không được 90kg gạo/ha; có tình trạng phát canh, thu tô, dùng tài nguyên đất đai rừng phát canh, thu tô, biến lâm trường viên thành những người lao động làm thuê, như thế nên giải thể, chuyển đổi mục đích, giao khoán cho cá nhân.

Trong khi đó với đất nông nghiệp, tốc độ đô thị hóa lấy rất nhiều đất nông nghiệp, nhiều dự án cụm công nghiệp cứ có giấy phép là mọc lên; ngập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long khiến đại biểu băn khoăn về kết quả thực hiện giữ đất 3,8 triệu ha trồng lúa khu vực này.

Đại biểu Đỗ Văn Đương nhấn mạnh, lãng phí tài nguyên đất nông nghiệp là vô cùng. Có tình trạng đất hoang không làm gì, nhiều doanh nghiệp nuôi trâu, bò, từ 20 triệu sau 3 tháng được 50 - 60 triệu/con; hay ồ ạt đưa các doanh nghiệp gia công lắp ráp, ô nhiễm môi trường vào, thu đất nhưng cũng không làm gì. Vì vậy, đến một thời điểm nào đó cần phải thu hồi ngay các dự án hoang phí để bảo đảm lợi ích chung của đất nước.

Đại biểu Đỗ Văn Đương- TP. Hồ Chí Minh

Tuyệt đối không chuyển rừng phòng hộ đầu nguồn sang rừng sản xuất

Đó là phát biểu kiến nghị của đại biểu Phương Thị Thanh- Bắc Kạn về nội dung điều chỉnh quy hoạch đất đối với đất rừng phòng hộ. Việc không chuyển rừng phòng hộ đầu nguồn sang rừng sản xuất để đảm bảo giữ diện tích rừng phòng hộ. Đại biểu đề nghị cần căn cứ vào kết quả kiểm kê rừng để đánh giá diện tích rừng phòng hộ trên thực tế, xác định cụ thể khu rừng phòng hộ cần lưu giữ để phòng, chống thiên tai, đặc biệt là rừng đầu nguồn xung yếu; cần có chính sách để người dân bảo vệ rừng sống ổn định, tăng mức khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng cao hơn mức quy định hiện hành.

Trước đó, phát biểu tại phiên họp tổ ngày 24/3, nhấn mạnh phải giữ rừng phòng hộ ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn ở các khu vực xung yếu, đại biểu Phạm Huy Hùng- Hà Nội cho rằng việc giảm hơn 1 triệu đất rừng phòng hộ phải có căn cứ khoa học, thực tiễn rõ ràng. Theo đó, phải xác định được nước ta cần bao nhiêu diện tích rừng phòng hộ và những khu vực cần giữ rừng phòng hộ đảm bảo cho công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; nên rà soát đánh giá chất lượng rừng, khoanh định diện tích rừng phòng hộ để có cơ chế quản lý tốt hơn nữa. Đại biểu đề nghị phải quản lý chặt chẽ khu vực xung yếu, không cho chuyển đổi đất đầu nguồn và đất rừng phòng hộ và phải tích cực có kế hoạch để triển khai trồng ở khu vực đó.

Đại biểu Phương Thị Thanh- Bắc Kạn

Về việc chuyển rừng phòng hộ sang đất rừng đặc dụng, trước ý kiến của Ủy ban Kinh tế cho rằng điều này không gây ảnh hưởng, chỉ là chuyển chỗ này sang chỗ kia, đại biểu Đinh Xuân Thảo- Hà Nội cho rằng lập luận này cần phải xem xét lại bởi chuyển từ phòng hộ sang đặc dụng là có thể đưa vào sản xuất được. Dẫn chứng chuyển từ rừng tự nhiên sang trồng cây cao su nhiệm kỳ trước không hiệu quả, cho thấy việc chuyển đổi có nhiều nguy cơ. Vì vậy, đại biểu cho rằng, việc chuyển đổi phải làm nghiêm túc, cần có số liệu phân tích của các nhà khoa học để xem xét, đánh giá.

Bên cạnh đó, đại biểu Trịnh Thế Khiết- Hà Nội lại cho rằng rừng sản xuất rất cần thiết và cần được tăng cường đối với người dân, đặc biệt những người dân ở vùng núi. Điều này đồng nghĩa với việc nếu tăng 1,4 triệu ha rừng sản xuất thì phải giảm được rừng phòng hộ và giảm được đất làm muối. Vì vậy, cần phải nêu rõ địa chỉ tăng, giảm trong quy hoạch, trong báo cáo để các đại biểu xem xét.

Giải trình việc đề nghị điều chuyển 1,1 triệu ha đất được quy hoạch để làm rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho hay, hiện nay đã có 15,7 triệu ha đất được quy hoạch làm lâm nghiệp, trong đó có 14,5 triệu ha đất đã có rừng. Rừng mới chỉ đóng góp 26.500 tỷ đồng hay 3% giá trị tổng sản lượng nông, lâm nghiệp. Bên cạnh giá trị về môi trường thì rừng cũng cần phải đem lại cuộc sống tốt hơn cho những người làm nghề rừng và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Nếu giao 1,1 triệu ha đó cho nhân dân thì chúng ta vừa có rừng mà ngân sách không phải bỏ ra 15.000 tỷ đồng để trồng và bảo vệ diện tích này. Vì thế nên chuyển một phần diện tích chúng ta quy hoạch làm rừng phòng hộ, trong đó có nửa triệu ha có rừng nhưng nghèo kiệt và không xung yếu, có 0,6 triệu ha chưa có rừng sang để nhân dân làm ăn, vừa có thu nhập và rừng sản xuất nếu quản lý tốt cũng phòng hộ, khi đó vừa phòng hộ vừa có động lực để lâm nghiệp phát triển một cách bền vững.

Bảo Yến