Đoàn Hội thẩm cần có sự hỗ trợ về kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước

16/01/2016

Sáng 16/1, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về dự thảo Quy chế và tổ chức hoạt động của Đoàn Hội thẩm. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha phát biểu tại Phiên họp

Trình bày tờ trình về Dự thảo quy chế tổ chức và Hoạt động của Đoàn Hội thẩm, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết, sau hơn mười năm thực hiện Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân năm 2002, đội ngũ Hội thẩm được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng, tham gia công tác xét xử của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự, góp phần cùng ngành Tòa án hoàn thành nhiệm vụ được giao, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra đối với công tác Tòa án nói chung và Hội thẩm nói riêng.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành cho thấy tổ chức và hoạt động của Hội thẩm còn bộc lộ những khiếm khuyết và bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển và đòi hỏi của của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của Tòa án. Vì vậy, việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm là cần thiết.

Dự thảo Quy chế gồm 5 chương, 15 điều, bao gồm những quy định chung; Đoàn Hội thẩm nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc hỗ trợ đoàn Hội thẩm nhân dân và Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ; các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của Đoàn Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm nhân dân và các điều khoản thi hành.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với các quan điểm chỉ đạo và các yêu cầu của việc soạn thảo Quy chế và cho rằng, nội dung của quy chế phải đảm bảo thống nhất với các quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Luật tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Về việc cử Hội thẩm tham gia hoạt động xét xử của Tòa án, cơ quan chủ trì soạn thảo, cho rằng việc cử Hội thẩm tham gia hoạt động xét xử thuộc trách nhiệm của Trưởng Đoàn Hội thẩm. Theo đó, trên cơ sở văn bản của Trưởng Đoàn Hội thẩm, Chánh án Tòa án ra quyết định phân công cụ thể đối với từng Hội thẩm trong từng vụ án cụ thể. Ủy ban Tư pháp cho rằng, theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 84 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì Hội thẩm thực hiện nhiệm vụ xét xử theo sự phân công của Chánh án Tòa án nơi mình được cử hoặc được bầu, bảo đảm phù hợp với yêu cầu xét xử vụ án.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luật phiên họp                                        Ảnh: Đình Nam

Vì vậy, nếu quy định thêm một thủ tục Trưởng Đoàn Hội thẩm cử Hội thẩm trước khi Chánh án Tòa án phân công sẽ dẫn đến sự chồng chéo, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, không phù hợp với quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Mặt khác, khoản 5 Điều 84 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định: “Trong một năm công tác mà Hội thẩm không được Chánh án Tòa án phân công làm nhiệm vụ xét xử thì có quyền yêu cầu Chánh án Tòa án cho biết lý do”. Bộ luật tố dụng dân sự (sửa đổi) (khoản 2 Điều 16), Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) (khoản 2 Điều 14) và Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đã quy định “Việc phân công người tiến hành tố tụng phải bảo đảm vô tư, khách quan khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”. Như vậy, đã có đủ cơ sở pháp lý để Hội thẩm được tham gia xét xử vụ án, và bảo đảm việc tham gia xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị không quy định trong Quy chế Trưởng Đoàn Hội thẩm cử Hội thẩm tham gia xét xử (như đã thể hiện tại điểm c khoản 1 Điều 7) mà chỉ nên quy định theo hướng: Chánh án Tòa án phân công Hội thẩm thực hiện nhiệm vụ xét xử sau khi có sự trao đổi ý kiến với Trưởng Đoàn Hội thẩm nhân dân.

Về kinh phí hoạt động của Đoàn Hội thẩm, Ủy ban Tư pháp tán thành với sự cần thiết quy định về kinh phí hoạt động cho Đoàn Hội thẩm như Dự thảo quy chế. Đoàn Hội thẩm không phải là cơ quan nhà nước, không phải là một tổ chức Hội theo quy định của pháp luật về Hội, chỉ là tổ chức tự quản của các Hội thẩm. Vì vậy, Đoàn Hội thẩm cần có sự hỗ trợ về kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để đảm bảo thuận lợi, minh bạch trong việc quyết định, quản lý và sử dụng kinh phí đối với Đoàn Hội thẩm, Ủy ban Tư pháp cho rằng các nhiệm vụ chi cần được quy định cụ thể trong Quy chế làm cơ sở để Bộ Tài Chính hướng dẫn mức hỗ trợ kinh phí cho Đoàn Hội thẩm hoạt động.

Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đây là dự thảo Nghị quyết trong đó còn có nhiều vấn đề chưa có sự thống nhất, đồng thuận giữa cơ quan trình dự thảo với cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan. Phó Chủ tịch đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các cơ quan để chuẩn bị lại theo đúng tinh thần của Hiến pháp và Luật tổ chức tòa án nhân dân để bảo đảm Nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ xem xét thông qua tại phiên họp sau.

Vân Ngọc