Thông qua Nghị quyết quy định về điều kiện, tiêu chuẩn thành lập Ban dân tộc của Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

14/01/2016

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, chiều 14/1, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp                                           Ảnh: Đình Nam

Để cụ thể hóa các quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, khắc phục hạn chế, bất cập, vướng mắc trong các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, việc xây dựng Nghị quyết hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật tổ chức chính quyền địa phương về ba nội dung: phân loại đơn vị hành chính; thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới và đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính; điều kiện, tiêu chuẩn thành lập Ban dân tộc của Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết quy định về điều kiện tiêu chuẩn thành lập Ban dân tộc của Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành. Đối với dự thảo nghị quyết về phân loại đơn vị hành chính và nghị quyết về thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới và đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính do còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần thêm thời gian chuẩn bị, hoàn thiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét sau.

Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết quy định về điều kiện tiêu chuẩn thành lập Ban dân tộc của Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, dự thảo Nghị quyết gồm 3 điều quy định điều kiện tiêu chuẩn thành lập Ban dân tộc của Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và quy định về điều kiện thi hành.

Bộ trưởng Bộ nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày tờ trình của Chính phủ

Theo đó, Ban dân tộc của Hội đồng nhân dân tỉnh được thành lập khi có đủ hai trong ba điều kiện, tiêu chuẩn: Thứ nhất, tỉnh có trên 20.000 người dân tộc thiểu số sống tập trung thành cộng đồng làng bản; Thứ hai, tỉnh có trên 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ hỗ trợ phát triển; Thứ ba, tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại.

Đối với thành lập Ban dân tộc của Hội đồng nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải có đủ một trong hai điều kiện, tiêu chuẩn: Thứ nhất, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trên 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ hỗ trợ phát triển; Thứ hai, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với tiêu chuẩn, điều kiện trong tờ trình của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn thành lập Ban dân tộc của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phải thống nhất, gắn kết giữa Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trong tổ chức chính quyền địa phương; tránh trường hợp có địa phương có Phòng dân tộc của Ủy ban nhân dân mà không thành lập Ban dân tộc của Hội đồng nhân dân và ngược lại. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trong quá trình áp dụng các tiêu chuẩn, điều kiện thành lập Ban dân tộc ở Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cần tham khảo kinh nghiệm thực tiễn tổ chức Phòng dân tộc của Ủy ban nhân dân các cấp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cũng cho biết thêm, hiện nay có khoảng 28 Ban dân tộc của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, và nếu theo tiêu chí được quy định trong dự thảo Nghị quyết thì trong cả nước sẽ có khoảng 44 Ban dân tộc của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; ở cấp huyện hiện chưa có Ban dân tộc của Hội đồng mà mới chỉ có 318 Phòng dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân và nếu theo tiêu chí này sẽ có thêm 318 Ban dân tộc thuộc Hội đồng nhân dân cấp huyện. Việc áp dụng các tiêu chí này là thống nhất giữa Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân và thực tế áp dụng tiêu chí trên đối với thành lập các Phòng dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân không gặp phải khó khăn, bất cập lớn.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’sor Phước nhấn mạnh, tại một số địa phương. Ủy ban nhân dân đã có Phòng dân tộc có phòng dân tộc thì Hội đồng nhân dân cần có Ban dân tộc để xây dựng chính sách và giám sát thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho người dân tộc. Một số huyện biên giới, số lượng dân tộc không nhiều nhưng có vai trò an ninh trọng yếu nếu không có cơ quan công tác dân tộc mà chỉ có biên phòng, công an là không đủ để thực hiện, triển khai chính sách của đảng và nhà nước đến người dân. Đặc biệt đối với một số địa phương, dù số lượng người dân tộc không nhiều nhưng sinh sống tại các khu vực trọng điểm hoặc thuộc nhóm dân tộc thiểu số ít người theo chính sách bảo tồn dân tộc thì cần phải có Phòng dân tộc, Ban dân tộc.

+ Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc công bố Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Theo Nghị quyết, Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 là Chủ nhật, ngày 22 tháng 5 năm 2016.

Bảo Yến