Cần có giải pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng tăng bội chi ngân sách

28/05/2015

Chiều 28/5, trong phiên thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013, bội chi ngân sách là vấn đề được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm. Các đại biểu cho rằng, con số bội chi 6,6% vượt rất xa so với Nghị quyết của Quốc hội, cần phải được xem xét đánh giá kỹ.

Các đại biểu cơ bản thống nhất báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách về các vấn đề thu chi ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, tuy Chính phủ đã có nhiều nỗ lực nhưng việc thực hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, kế hoạch thu, chi đều chưa sát với thực tiễn.

Về vấn đề bội chi, nhiều đại biểu đề nghị cần phải có giải pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng bội chi ngân sách tăng quá cao so với mức cho phép và tránh lặp lại ở những năm sau.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng phát biểu tại Hội trường                                                                            Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Lê Nam-Thanh Hóa nêu ý kiến, có lẽ đã đến lúc phải áp dụng một chính sách quyết liệt, dự toán đã phân bổ rồi thì trừ những trường hợp đặc biệt như chiến tranh bão lũ, còn lại thì kiên quyết không tăng ngân sách ở bất kỳ ngành nào, địa phương nào. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng - Thái Nguyên cho rằng, trong vấn đề bội chi cần chú ý kỷ luật tài chính; đề nghị tăng cường hơn nữa kỷ luật tài chính, công khai minh bạch hơn nữa về quản lý ngân sách nhà nước.

Ngoài vấn đề bội chi ngân sách, tại phiên thảo luận, tình hình thu chi ngân sách cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên - Sóc Trăng nhận định, về chi ngân sách, sự nghiệp giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ là những khoản chi quan trọng thì lại không đạt dự toán, trong khi chi đầu tư phát triển thì vượt dự toán 55,2%, điều này làm hạn chế tính chủ động trong quản lý điều hành ngân sách và làm ảnh hưởng đến giá trị của dự toán Quốc hội đã quyết định, cần phải rút kinh nghiệm.    

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại Hội trường                                                                                                    

Đồng tình với điều này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh-TP Hà Nội cho rằng, hiện tượng sử dụng sai kinh phí, sai đối tượng mục đích, phân bổ vốn không kịp thời, tỷ lệ giải ngân thấp vẫn chưa được khắc phục, đặc biệt tình trạng điều chỉnh phân bổ sử dụng kế hoạch vốn trong năm không thông qua Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là không chấp hành đúng chủ trương của Đảng và pháp luật nhà nước, không coi trọng cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Đại biểu đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm của những người đã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để rút kinh nghiệm cho những trường hợp sau, rút kinh nghiệm cho những năm sau.

+ Trước đó, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).

Trang Mai