Xây dựng hành lang pháp lý cho việc quản lý thống nhất về biển và hải đảo

28/05/2015

Sáng 28/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 gồm 10 chương và 81 Điều.

Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường trong phạm vi vùng bờ, hải đảo và vùng biển Việt Nam; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát lại toàn bộ dự thảo luật này để phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng bao quát đầy đủ, đúng và rõ tất cả các quy định về quản lý nhà nước đối với tài nguyên và bảo vệ môi trường, tất cả các cấu trúc trên biển không chỉ riêng hải đảo.

Đồng thời, các đại biểu đề nghị làm rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quản lý nhà nước ở các ngành các cấp với các tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài đối với việc bảo vệ tài nguyên và môi trường biển đảo.

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang phát biểu tại Hội trường                                                          Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang-Tp. Hồ Chí Minh khẳng định: Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo hướng tới việc xây dựng một hành lang pháp lý cho việc quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo đã được nhiều nước có biển sử dụng nhưng là phương thức quản lý còn khá mới. Sự ra đời của Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo cũng không thay thế và không phủ nhận các luật chuyên ngành khác.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn quản lý nhà nước về nuôi trồng khai thác hải sản theo Luật thủy sản; Bộ Giao thông vận tải vẫn quản lý nhà nước về cảng biển và dịch vụ hàng hải theo Bộ luật Hàng hải; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nhà nước về hoạt động du lịch biển theo Luật du lịch.

Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường biển và hải đảo sẽ là đầu mối phối hợp giữa các bộ, ngành nhằm giảm thiểu các xung đột và tối ưu hóa lợi ích của từng ngành nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang cho rằng, dự thảo luật còn thiếu các công cụ để kết nối và điều chỉnh các hành vi của các ngành trong hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Dự thảo Luật cũng còn thiếu các cơ chế để giải quyết những vấn đề nảy sinh giữa các ngành, các cấp, các vùng với nhau và giữa các cá nhân tổ chức với nhà nước trong việc khai thác sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Do đó, đại biểu đề nghị cần rà soát và bổ sung thêm các quy định cụ thể để đạt được mục đích quản lý tổng hợp đã đề ra.

Đại biểu Bùi Thị An phát biểu tại Hội trường                                                                                                            

Còn theo đại biểu Bùi Thị An-Hà Nội, việc phân cấp để quản lý chuyên sâu cũng tốt nhưng sự phối hợp giữa các Bộ chưa tốt, còn chồng chéo nên để thực hiện tốt Điều 5 của Luật, Chính phủ nên nghiên cứu cho thành lập Bộ Kinh tế biển để khai thác, quản lý một cách có hiệu quả nhất ngành và lĩnh vực kinh tế này, bởi ngành kinh tế biển đóng góp khoảng hơn 50% GDP của cả nước.

Đại biểu Trần Văn Huynh-Kiên Giang nhận xét dự thảo Luật không có quy định nào cho việc công bố chia sẻ thông tin cho tổ chức, cá nhân mà mới chỉ quy định dữ liệu tài nguyên môi trường biển và hải đảo được trao đổi, chia sẻ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Vì vậy, Luật cần tiến tới việc công bố và tạo cơ chế để tổ chức, cá nhân tiếp cận được nguồn thông tin một cách dễ dàng.

Đại biểu Trần Văn Huynh phát biểu tại Hội trường                                                                                                        

Theo đại biểu Nguyễn Viết Nhiên-Hải Phòng quy định của luật cần dựa trên kết quả đánh giá xác định rõ lĩnh vực, mức độ ưu tiên trong khai thác, sử dụng tài nguyên, lựa chọn phương án phân vùng tối ưu để đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, các hệ sinh thái biển, hải đảo, nhằm phục vụ phát triển bền vững vùng bờ, bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng an ninh.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các đại biểu dự thảo luật sẽ được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng với cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan để tiếp thu và tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Bảo Yến