Tiến độ chuẩn bị các dự án luật còn những hạn chế kéo dài

28/05/2015

Thảo luận tại hội trường về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả khóa XIII và dự kiến chương trình bổ sung năm 2015 và chương trình năm 2016, các đại biểu Quốc hội đánh giá, tiến độ chuẩn bị các dự án luật và chất lượng ngày càng được nâng cao, nhưng vẫn còn những hạn chế kéo dài, chậm được khắc phục.

Đa số các ý kiến phát biểu đều đồng ý với tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả khóa XIII và dự kiến chương trình bổ sung năm 2015 và chương trình năm 2016.

Các đại biểu đánh giá, trong thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Tiến độ chuẩn bị các dự án luật và chất lượng ngày càng được nâng cao, đó là sự cố gắng rất lớn của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế kéo dài, chậm được khắc phục.

Đại biểu Nguyễn Thái Học-Phú Yên đánh giá tình trạng tồn đọng văn bản quy định thi hành luật, pháp lệnh còn nhiều; việc gửi tài liệu của nhiều dự án luật cho cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội còn chậm. Đây là những tồn tại mang tính chủ quan. Dù Quốc hội đã có nghị quyết yêu cầu, quy định cho Chính phủ, Bộ ngành phải khắc phục, song nghị quyết của Quốc hội chưa được thực hiện một cách nghiêm túc.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn phát biểu tại Hội trường                                                                                     Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn-Nam Định cho biết, việc chậm gửi tài liệu cho cơ quan thẩm tra, cho Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương lấy ý kiến gây khó khăn cho các đại biểu trong việc đưa ra ý kiến góp ý trong thời hạn gấp gáp mà phải đảm bảo chất lượng.

Cùng chung nhận định này, đại biểu Chu Sơn Hà-Hà Nội cho rằng chính việc không thực hiện nghiêm túc kế hoạch phân công tổ chức soạn thảo văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật đã khiến cho luật không đi vào cuộc sống, tạo cơ chế xin cho không minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đại biểu Chu Sơn Hà phát biểu tại Hội trường                                                                                                                         

Các đại biểu đề nghị Chính phủ phải có báo cáo Quốc hội về việc đánh giá thực hiện kế hoạch ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật đã được Quốc hội thông qua, đồng thời xem xét trách nhiệm đối với những cơ quan, những người có trách nhiệm để tồn tại kéo dài những hạn chế trên.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh-Hải Phòng đề nghị đối với các dự án luật đã được đưa vào chương trình thì phải quyết tâm thực hiện, hạn chế tối đa việc đưa vào, rút ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, không nên chuyển tiếp các luật sang nhiệm kỳ sau. Đại biểu cho rằng Quốc hội cần có chế tài cụ thể nhằm xử lý trách nhiệm của các đơn vị bộ, ngành chậm trễ trong việc xây dựng luật, pháp lệnh.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa-Tp. Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội nên huy động sức dân, các chuyên gia, các nhà khoa học, nguyên đại biểu Quốc hội tâm huyết trong quá trình làm luật nhằm hạn chế việc quá tải tại các bộ, ngành; việc chậm hoặc không hoàn thành kế hoạch làm luật.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội trường                                                                                                             

Về nội dung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, đa số các ý kiến pháp biểu đều đồng tình với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua cũng như việc xác định tiêu chí ưu tiên xây dựng luật, pháp lệnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định ưu tiên xây dựng các dự án nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời các văn kiện của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; ưu tiên các dự án tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó tiếp tục khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các dự án về kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; ưu tiên những dự án còn lại thuộc chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII mà thấy cần thiết phải ban hành và đã được chuẩn bị kỹ.

Các đại biểu đồng ý đưa vào trong năm 2016 như Luật biểu tình, Luật về hội, Luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu để bổ sung vào chương trình dự án Luật tiền lương tối thiểu, Luật giáo dục (sửa đổi) là những dự án luật rất quan trọng liên quan đến quyền công dân. Quốc hội cũng có đề nghị cần phải rút ra khỏi chương trình, như Luật dân số; Luật du lịch; Luật thể dục, thể thao.

Bảo Yến