Sớm xây dựng và ban hành Luật biểu tình, Luật về hội

27/05/2015

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu vào sáng 27/5, trong phần thảo luận tại Hội trường về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015.

Theo Tờ trình số 861/TTr-UBTVQH13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, Luật biểu tình và Luật về hội là những dự án quan trọng cần được sớm ban hành nhằm cụ thể hóa Điều 25 của Hiến pháp, tạo hành lang pháp lý để Nhà nước quản lý các hoạt động này.

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình chuẩn bị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian trình dự án Luật biểu tình từ Kỳ họp thứ 9 sang Kỳ họp thứ 11, dự án Luật về hội thì giữ thời hạn trình tại Kỳ họp thứ 10. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực nghiên cứu, hoàn thiện 2 dự án trên, trình Quốc hội theo đúng tiến độ.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh-Hải Phòng cho rằng, để đảm bảo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 đi vào cuộc sống, đặc biệt là quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đề nghị Quốc hội cho ý kiến dự án Luật biểu tình vào Kỳ họp thứ 10 và thông qua tại Kỳ thứ 11 vào Quý I năm 2016.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội trường                                                                           Ảnh: Đình Nam  

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa-Tp. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, quyền biểu tình đã được Hiến pháp quy định, có Luật biểu tình sẽ đưa việc thực hiện quyền con người, quyền của công dân vào nền nếp. Do đó, đại biểu đề nghị, tốt nhất dự luật nên đưa ra trong Kỳ họp thứ 10 để lấy ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 11.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng - Đồng Nai cũng nhận định, nếu Luật biểu tình được ban hành sớm thì tình hình ổn định an ninh, trật tự xã hội sẽ thuận lợi hơn. Đồng thời, sẽ đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của người dân phản đối trước những hành động xâm phạm về chủ quyền, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng phát biểu tại Hội trường                                                                                                       

Với Luật về hội, đại biểu Đặng Ngọc Tùng cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế thì việc thông qua luật này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phê chuẩn các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) như: Công ước 87 về quyền tự do lập hội, Công ước 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể…

Bày tỏ đáng tiếc khi Luật biểu tình và Luật về hội không được bấm nút thông qua tại kỳ họp này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh-Hà Nội cho rằng, nếu đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thông qua 2 luật tại nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII thì công cuộc đổi mới, dân chủ hóa đời sống xã hội của đất nước sẽ được khẳng định một cách rất tốt đẹp.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh phát biểu tại Hội trường                                                                                                 

Băn khoăn về việc 2 dự luật trên đã được nêu ra từ nhiều khóa trước và từ đầu khóa này, đại biểu Lê Đình Khanh- Hải Dương cho rằng, do chưa có luật nên tình trạng tụ tập đông người, dừng việc tập thể, phản đối hoặc kiến nghị lãnh đạo công ty, lãnh đạo chính quyền cơ sở.

Không biết gọi hiện tượng đó là gì cho chính xác và giới hạn của việc đó đến đâu là hợp pháp, là vượt quá, là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc các hội ra đời quá nhiều và nơi này thì cho phép, nơi kia thì không là do ta chưa có Luật về hội. Do đó, đại biểu đề nghị cần ưu tiên Luật biểu tình và Luật về hội ban hành trong Khóa XIII này.

Đại biểu Lê Đình Khanh phát biểu tại Hội trường                                                                                                        

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến và đề nghị một số nội dung như cần khắc phục những tồn tại hạn chế trong việc không đúng thời hạn, tồn đọng các quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nhiều vấn đề còn đánh giá tác động phân tích chính sách chưa đầy đủ, toàn diện..

Một số đại biểu đề nghị nghiên cứu để bổ sung vào chương trình dự án Luật tiền lương tối thiểu, Luật giáo dục (sửa đổi); đề nghị rút ra khỏi chương trình Luật dân số, Luật du lịch, Luật thể dục, thể thao…

Đức Phương