Luật kế toán cần đảm bảo yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế

22/05/2015

Chiều 22/5, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng                                                                                    Ảnh: Nam Nguyễn

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật kế toán đã được Quốc hội khóa XI thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2004. Sau 10 năm thực hiện, dự án Luật đã đạt được những kết quả quan trọng, song cũng còn những tồn tại hạn chế nhất định về nguyên tắc kế toán; về việc đảm bảo vai trò kiểm tra, kiểm soát thông qua công cụ kế toán; về hiện đại hóa công nghệ thông tin trong lĩnh vực kế toán cũng; về việc phát triển nghề nghiệp dịch vụ kế toán; về quản lý nhà nước; về kiểm soát chất lượng công tác kế toán.

Lý giải về những hạn chế này, Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân chính là do ý thức trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị kế toán chưa cao; quy định pháp luật về kế toán chưa thực sự hoàn chỉnh; môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã có nhiều biến đổi, việc mở cửa thị trường, hội nhập quốc tế đòi hỏi các cơ chế chính sách về tài chính, kế toán phải điều chỉnh kịp thời...

Việc điều chỉnh Luật Kế toán nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kế toán nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật về tài chính; nâng cao chất lượng của công tác kế toán, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào kinh tế thế giới, trong đó có hội nhập về tài chính, kế toán.

Việc điều chỉnh Luật cũng tạo điều kiện tăng cường quản lý, giám sát của Nhà nước, giám sát của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong lĩnh vực này, góp phần tăng cường nâng cao chất lượng kế toán, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, lãng phí đối với mỗi đơn vị kế toán cũng như toàn xã hội.

Thẩm tra về Dự án Luật này, Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ và cho rằng, việc sửa đổi Luật Kế toán là cần thiết. Luật Kế toán là đạo luật mang tính chuyên ngành cao, bao quát nhiều loại hình, lĩnh vực hạch toán, do đó, không thể chi tiết, cụ thể hóa tất cả các quy định liên quan đến công tác kế toán vào nội dung Dự thảo luật. Đối với những vấn đề liên quan đến kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên ngành, có thể giao Chính phủ quy định bằng văn bản dưới luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển                                                Ảnh: Nam Nguyễn

Tuy nhiên, cần bổ sung vào Dự thảo luật những quy định mang tính nguyên tắc về chính sách, chế độ kế toán, nhất là các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo đảm tính định hướng trong quá trình ban hành văn bản dưới luật

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, một  trong những nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là tăng cường hội nhập quốc tế, tạo dựng mối liên hệ chặt chẽ, thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, trên thế giới và các tổ chức quốc tế.

Luật Kế toán được ban hành và có hiệu lực thi hành từ trước khi sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều luật quan trọng như: Luật Doanh nghiệp, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kiểm toán độc lập,... Do đó, Chính phủ cần rà soát, đối chiếu tổng thể các quy định của Luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung đầy đủ, kịp thời các nội dung cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Mai Trang