Quy định chuẩn hộ nghèo, cận nghèo còn thấp, không phù hợp với nhu cầu đảm bảo cuộc sống tối thiểu trên thực tế

21/05/2015

Trình bày Báo cáo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri quan tâm nhiều đến vấn đề đời sống nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội.

Ảnh:thuvienphapluat.vn

Cử tri và nhân dân phấn khởi trước sự nỗ lực của các ngành, các cấp chung tay xóa đói, giảm nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương. Theo thống kê từ Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững năm 2014, tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo khoảng 34,7 nghìn tỷ đồng. Trên cơ sở triển khai đồng bộ có hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8-2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8-6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,20% năm 2013 xuống còn 33,20% năm 2014).

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn băn khoăn về quy định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện nay là thấp, không còn phù hợp với nhu cầu đảm bảo cuộc sống tối thiểu trên thực tế. Theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015 cho biết: Hộ nghèo ở nông thôn có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng. Hộ nghèo ở thành thị có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống. Hộ cận nghèo ở nông thôn có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng. Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng

Trong khi đó, từ đầu năm 2011 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 36%. Như vậy, mức thu nhập hộ nghèo ở nông thôn năm 2015 tương đương dưới 545.000 đồng/tháng; ở thành thị là từ 680.000 đồng/tháng trở xuống.

Chính vì vậy, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ xem xét, rà soát và điều chỉnh lại chuẩn hộ nghèo sát thực tế hơn; xây dựng chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo phù hợp với thực tế từng vùng, miền, giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Về vấn đề an sinh xã hội, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014 đã đáp ứng được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện để người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng, đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già.

Bên cạnh đó, vì nhu cầu cuộc sống trước mắt mà một bộ phận người lao động có nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần. Do vậy, thời gian vừa qua ở một số địa phương có tình trạng một bộ phận người lao động ngừng việc tập thể để phản đối quy định về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần theo Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014.

Cử tri và nhân dân đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nghiên cứu, xem xét để có các giải pháp đáp ứng các nguyện vọng, nhu cầu đa dạng trong việc lựa chọn hình thức trợ cấp bảo hiểm xã hội, phù hợp với quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và điều kiện thực tế. 

An Vy