Các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua
Sau khi nghe báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật này. Theo kết quả biểu quyết, 449/457 đại biểu biểu quyết tán thành, chiếm 92,96% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
Luật quy định, Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.
Người trưng cầu giám định bao gồm cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Luật quy định việc thành lập phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Theo đó, phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi. Chính phủ quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của tổ chức giám định tư pháp công lập quy định tại khoản 2, khoản 3, các điểm a, b và c khoản 4 Điều này. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
Toàn cảnh Phiên họp
Về sơ yếu lý lịch và Phiếu lý lịch tư pháp đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp, Luật quy định trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì không cần có Phiếu lý lịch tư pháp.
Luật quy định người trưng cầu giám định quyết định trưng cầu giám định tư pháp bằng văn bản và gửi quyết định kèm theo đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định. Trường hợp đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan không thể gửi kèm theo quyết định giám định thì người trưng cầu giám định có trách nhiệm làm thủ tục bàn giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.
Về thời hạn giám định tư pháp trong trường hợp trưng cầu giám định, Luật quy định thời hạn giám định tư pháp được tính từ ngày tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định. Trong quá trình thực hiện giám định, trường hợp cần phải bổ sung thêm hồ sơ, tài liệu làm cơ sở cho việc giám định thì tổ chức, cá nhân được trưng cầu có văn bản đề nghị người đã trưng cầu giám định bổ sung hồ sơ, tài liệu. Thời gian từ khi tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định có văn bản đề nghị đến khi nhận được hồ sơ, tài liệu bổ sung không tính vào thời hạn giám định.
Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này tối đa là 03 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.
Ngoài ra, Luật cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về công nhận và đăng tải danh sách người giám định tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người trưng cầu giám định; kết luận giám định tư pháp; chi phí giám định tư pháp./.