THẢO LUẬN TỔ 07 VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

10/06/2020

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, sáng 10/6, thảo luận tại Tổ 07 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Ninh Thuận và Quảng Trị về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành luật song vẫn còn băn khoăn về một số nội dung.

Các đại biểu thảo luận tại Tổ 07 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Ninh Thuận và Quảng Trị

Đại biểu Bùi Văn Xuyền – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính là dự án luật lớn với phạm vi điều chỉnh rộng, tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp. Bày tỏ thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật, đại biểu Bùi Văn Xuyên nêu rõ Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 qua 8 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm, hạn chế vi phạm hành chính.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho biết, trong lần sửa đổi này Chính phủ đề nghị bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm tra, nhiều ý kiến cho rằng điện, nước là nhu cầu thiết yếu của mọi người, là đầu vào quan trọng của hoạt động sản xuất, kinh doanh nên việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước như một biện pháp cưỡng chế để buộc cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải thực hiện quyết định xử phạt (nộp tiền phạt) là chưa phù hợp, không tương xứng, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức, nhất là khi điện, nước không phải là công cụ, phương tiện vi phạm.

Hơn nữa, việc cung cấp dịch vụ điện nước dựa trên quan hệ hợp đồng dân sự trong trường hợp các bên của hợp đồng không có thỏa thuận, không có vi phạm hợp đồng thì không thể dùng biện pháp cưỡng chế để ngừng cung cấp dịch vụ.

Một số ý kiến cho rằng bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm” là biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính thì sẽ là bảo đảm đúng bản chất hơn việc coi đây là biện pháp cưỡng chế và cần được quy định giới hạn ở một số vi phạm như trong lĩnh vực xây dựng. Nếu coi là biện pháp cưỡng chế thì có thể gây ra lạm dụng, hơn nữa dịch vụ điện nước có nhiều người liên quan nhất là trong khu dân cư, chung cư thì sẽ tạo ra hệ lụy không tốt.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho biết một nội dung khác Chính phủ trình là bổ sung quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy vẫn còn ý kiến khác nhau. Dự thảo Luật bổ sung quy định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Theo pháp luật hiện hành, người chưa thành niên nghiện ma túy được áp dụng các biện pháp cai nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy. Theo đó, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; trường hợp họ tự nguyện hoặc được gia đình làm đơn xin cai nghiện thì cũng được nhận vào các cơ sở cai nghiện nêu trên; đồng thời, biện pháp cai nghiện này không được coi là việc xử lý hành chính.

Trong quá trình thẩm tra vẫn còn ý kiến khác nhau. Có ý kiến đồng tình với đề xuất của Chính phủ nhưng nhiều ý kiến khác cho rằng cần giữ quy định như hiện hành để bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế, khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về quyền trẻ em.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho Luật này cần kết nối với Luật Phòng chống ma túy dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 tới để tạo sự đồng bộ.

Bên cạnh đó, đại biểu Bùi Văn Xuyền cũng cho rằng còn một số nội dung cần tiếp tục được quan tâm như thẩm quyền xử phạt, tăng mức phạt tối đa, việc tịch thu tang vật không phụ thuộc vào thầm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Liên quan đến việc bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho rằng việc bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm” như dự thảo Luật thể hiện sự bất lực của cơ quan nhà nước khi không thể xử lý được vi phạm. Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương bày tỏ không nhất trí với nội dung này và cho biết biện pháp này có tác dụng ngăn chặn hành vi vi phạm nhưng lại làm ảnh hưởng đến những chủ thể khác không liên quan đến vi phạm.

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cũng cho hay, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 đã mở rộng chủ thể xử phạt vi phạm hơn rất nhiều so với trước đây song qua theo dõi thực tế cho thấy nhiều người có thẩm quyền xử phạt nhưng lại không làm đúng trách nhiệm của mình để ra quyết định xử phạt vi phạm kịp thời. Đại biểu cho rằng vấn đề hiện nay trong xử lý vi phạm hành chính là trách nhiệm trong thực thi pháp luật, việc chấp hành xử phạt cũng không nghiêm. Đại biểu cho rằng lần sửa luật này cần đặt ra vấn đề trách nhiệm của người có thẩm quyền xử  lý vi phạm hành chính nhưng không thực hiện.  

Có cùng quan tâm, đại biểu Đỗ Văn Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho biết có nhiều vi phạm hành chính diễn ra trên thực thế nhưng không thể kịp thời xử lý vi phạm. Nêu thực tiễn quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng như bệnh viện nhưng vẫn rất nhiều người vi phạm, đại biểu Đỗ Văn Sinh đặt vấn đề trong trường hợp này cơ quan nào, chủ thể nào có thể thực hiện việc lập biên bản vi phạm, liệu có thể mở ra ở phạm vi nhất định chủ thể có quyền xử phạt vi phạm mà không chỉ là cơ quan nhà nước./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh