THẢO LUẬN TỔ 07 VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN XÂY DỰNG ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC BẮC–NAM: ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ CÓ THÊM BÁO CÁO GIẢI TRÌNH THUYẾT PHỤC

09/06/2020

Sáng 09/6, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, sau khi nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Quốc hội tiến hành thảo luận theo Tổ về nội dung này.

Tại Tổ số 07 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Ninh Thuận và Quảng Trị. Các đại biểu cơ bản ủng hộ chủ trương chuyển đổi điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án để để nhất quán trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hiệu quả, thành công cho Dự án, đồng thời tạo điều kiện tối đa cơ hội đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ nhiều nội dung.

Thảo luận tại Tổ 07 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Ninh Thuận và Quảng Trị

Bày tỏ ủng hộ Chính phủ về việc lựa chọn một số tuyến trong dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông để chuyển đổi hình thức đầu tư, song Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng Tờ trình của Chính phủ chưa thực sự thuyết phục như việc Chính phủ cho rằng qua sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư cho thấy các nhà đầu tư tuy có năng lực thi công tốt nhưng tiềm lực về tài chính không phải là thế mạnh trong khi qua trao đổi với các nhà đầu tư thì đều có cam kết về nguồn lực thực hiện; hay như việc Chính phủ cho rằng khó chọn nhà đầu tư sau đấu thầu; hay như Chính phủ nhận định chuyển đổi hình thức đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án trong khi thực tế triển khai các công trình lớn cho thấy các dự án do tư nhân thực hiện tiến độ nhanh hơn rất nhiều so với dự án do nhà nước đầu tư. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã lấy dẫn chứng từ dự án sân bay Vân Đồn và dự án sân bay Long Thành để chứng minh cho thực trạng này.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Chính phủ có thêm giải trình thuyết phục các nhận định cũng như cam kết về việc thực hiện chuyển đổi hình thực đầu tư sẽ bảo đảm tiến độ.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho rằng việc Chính phủ đề xuất chuyển đổi sang hình thức đầu tư đối với các dự án 03 dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây là cần thiết, trong đó đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đều là các đoạn cửa ngõ của Thủ đô và thành phố Hồ Chí Minh rất cần sự tập trung nguồn lực nhà nước để nhanh triển khai, còn đoàn Vĩnh Hảo – Phan Thiết không thu hút được nhà đầu tư thì phải chuyển sang đầu tư công.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, đề nghị Chính phủ có thêm giải trình làm rõ các nội dung đề xuất

Cùng quan điểm ủng hộ thực hiện làm đường cao tốc càng nhanh càng tốt và chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư đối với một số dự án thành phần của đường bộ cao tốc Bắn – Nam, tuy nhiên đại biểu Đỗ Văn Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cũng còn những băn khoăn. Trong bối cảnh tại Kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật PPP với nhiều cơ chế đối mới như bảo đảm cân đối ngoại tệ và chia sẻ rủi ro do sự thay đổi quy hoạch, chính sách, pháp luật của nhà nước để thu hút đầu tư từ xã hội nhưng nay lại chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công thì liệu mục tiêu của Luật có đạt được.

Hơn nữa, lý do Chính phủ đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư là do việc triển khai các dự án đã rất chậm, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do cách triển khai thực hiện có vấn đề.

Về các đoạn Chính phủ đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho biết  đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây là những đoạn có lưu lượng xe rất lớn, giá trị thương mại tốt nếu để đầu tư theo hình thứ PPP thì rất có tiềm năng trong khi nếu đầu tư bằng vốn đầu tư công thì đây là hai đoạn có số vốn đầu tư lớn nhất. Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng điều này đi ngược với chủ trương và tinh thần của Luật PPP. Việc chuyển đổi hình thức đầu tư này cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước đối với nhà đầu tư. Cùng với thực trạng chất lượng tiến độ triển khai các công trình hiện nay cũng khó lòng thuyết phục.

Do đó, đại biểu Đỗ Văn Sinh đề nghị Chính phủ xem xét lại để bảo đảm thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư sao cho khoa học, khách quan, hiệu quả. Đại biểu cũng đề nghị nếu chuyển đổi hình thức đầu thì thì nên chọn những dự án không có nhà đầu tư tham gia, lưu lượng xe thấp.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đề nghị Chính phủ xem xét để bảo đảm thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư sao cho khoa học, khách quan, hiệu quả

Trao đổi làm rõ thêm một số nội dung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định đất nước đang trong quá trình phát triển, nhu cầu đầu tư hạ tầng là rất lớn. Tuy nhiên nguồn lực từ ngân sách rất hạn chế, quy mô nền kinh tế cũng như phát triển còn khó khăn, ngân sách chưa đáp ứng được nên chủ trương phải xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội. Thực tế thời gian qua đã thực hiện chủ trương này, huy động nguồn lực thực hiện các dự án BOT, thay đổi diện mạo giao thông rất tốt. Tuy nhiên, mặt trái để lại nhiều hạn chế, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, quy hoạch chưa tốt, lựa chọn nhà đầu tư, hợp đồng BOT, năng lực cơ quan nhà nước... đều có vấn đề, gây nên tiêu cực, thất thoát và bức xúc trong nhân dân.

Việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam mang lại nhiều lợi ích lớn, 60% dân số được hưởng lợi, kết nối nhiều hạ tầng sân bay, cảng biển, khu du lịch, văn hóa và góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh.

Cho biết nước nào muốn phát triển đều phải làm cao tốc rất nhanh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh nhìn từ yêu cầu đất nước, phải thay đổi và từ cốt lõi của nền kinh tế, nên cần phải làm, làm sớm đường cao tốc và không còn lý do gì để chậm trễ nữa. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư khẳng định chủ trương đã có, quy hoạch có, tiền cũng bố trí được đủ, phần khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng hiện nay cũng đã thực hiện được 74% và dự kiến đến Quý III/2020 sẽ hoàn thiện việc giải phóng mặt bằng. Nếu chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 3 dự án thành phần như Chính phủ trình thì dự kiến tháng 8/2020 có thể thi công.

Cơ sở để chuyển đổi từ PPP sang đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ là thực hiện Nghị quyết 52 của Quốc hội, trong trường hợp nếu không đấu thầu được thì chuyển từ PPP sang đầu tư công.

Làm rõ về việc Chính phủ đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư với 03 dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đã xác định tiêu chí lựa chọn các dự án chuyển đổi sang đầu tư công rất rõ ràng là dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển; dự án cấp bách, có nhu cầu vận tải cao, kết nối cửa ngõ các trung tâm kinh tế lớn của đất nước; dự án khó có khả năng huy động vốn tín dụng và khả năng đấu thầu không thành công; đảm bảo tính kết nối liên tục để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Trong đó đoạn đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư qua sơ tuyển; đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây có tính cấp bách, có nhu cầu vận tải cao, kết nối cửa ngõ các trung tâm kinh tế lớn của đất nước và đảm bảo tính kết nối liên tục.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn Quốc hội ủng hộ đề xuất của Chính phủ để có thể làm nhanh hơn nữa việc xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh