QUẢNG NAM: XỬ LÝ NHIỀU VI PHẠM TRONG QUY HOẠCH, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI

21/02/2019

Giai đoạn 2014 -2018, tỉnh Quảng Nam đã tiếp nhận đến 127 vụ việc khiếu nại liên quan đến đất đai; Xử phạt gần 3,86 tỷ đồng; Thu hồi hơn 875 triệu đồng và kiến nghị thu hồi hơn 14.000m2... là những con số đáng chú ý mà Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đưa ra trong báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” trên địa bàn tỉnh.

Trưởng Đoàn giám sát Phan Thái Bình phát biểu tại buổi làm việc 

Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, Quảng Nam đã ban hành 21 văn bản để cụ thể hóa việc thực hiện các chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Cũng từ ngày 01/01/2014 đến ngày 31/3/2018, 970 quyết định liên quan đến công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đã được tỉnh Quảng Nam đã ban hành, với tổng diện tích là hơn 9.174 ha. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 04 dự án BT với tổng mức đầu tư được duyệt là hơn 583 tỷ đồng, quỹ đất dự kiến đối ứng khoảng 488 ha. Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất trên địa bàn tỉnh được thực hiện đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Toàn tỉnh Quảng Nam cũng đã có hơn 600 phương án giá đất cụ thể được thẩm định và phê duyệt, đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, phản ánh được tiềm năng giá trị về đất đai.

Theo ông Lê Nho Tuấn - Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, từ ngày 01/7/2014 đến năm 2018, Sở Tài nguyên – Môi trường đã tiếp nhận 593 đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp; trong đó, có 127 vụ việc khiếu nại, tranh chấp liên quan đến đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh giao xác minh và của Sở Tài nguyên – Môi trường (giải quyết lần 1 đối với 09 vụ, giải quyết lần 2 đối với 118 vụ). Đến nay, Sở Tài nguyên – Môi trường đã tham mưu giải quyết đối với 123/127 vụ khiếu nại (đạt 97%); trong đó, đã giải quyết xong 122 vụ. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng xin ý kiến những đại biểu có mặt liên quan đến những hạn chế, bất cập đối với hệ thống văn bản chính sách, pháp luật hiện hành liên quan đến Luật Đất đai năm 2013.

Ông Phan Thái Bình - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, cho biết: Khi làm hồ sở đấu thầu chỉ mới cho họ cơ sở để xác định giá đất. Nhưng mà buộc họ phải đấu thầu trong đó có giá trị đất. Như vậy, khi chúng ta bàn giao đất thực địa tức là đất đã giải phóng xong mặt bằng thì sự chênh lệch giữa đất tại thời điểm ký hợp đồng và khi người ta bỏ thầu chênh lệch giá đất. Và thường là nhà đầu tư rất khó để xác định được giá đất để đấu thầu.

Qua giám sát cũng chỉ ra một số quy định chưa phù hợp với thực tế; như: Quy định thời điểm có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15/10/1993; Kinh phí thuê tư vấn xác định giá đất cụ thể để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong thực tế thường cao; Đồng thời Nghị định số 118/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và  Điểm c, Khoản 6, Điều 8, Nghị định số 35/2017 của Chính phủ quy định thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước trong Khu kinh tế, Khu công nghệ cao cũng có sự khập khiễng, khó áp dụng trên thực tế./.

Mỹ Phượng - Lê Quang