THẢO LUẬN TỔ 03 VỀ DỰ ÁN LUẬT KIẾN TRÚC: TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HÀNH NGHỀ KIẾN TRÚC SƯ

12/11/2018

Thảo luận tại tổ 03 gồm đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Kon Tum, Trà Vinh và Tp. Cần Thơ về dự án Luật Kiến trúc, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần thiết quy định về cấp chứng chỉ hành nghề đối với kiến trúc sư.

Thiếu quy định về quản lý ảnh hưởng đến kiểm soát chất lượng và quá trình hành nghề của kiến trúc sư

Kiến trúc là một nghề đặc biệt có tính đặc thù, tác động trực tiếp đến xã hội, vừa sáng tạo nghệ thuật, vừa phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu của kỹ thuật xây dựng. Sáng tạo của kiến trúc sư ảnh hưởng rất lớn đến xã hội từ văn hóa đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Một công trình xây dựng tồn tại hàng vài chục năm, thậm chí trăm năm, vì thế nếu công trình đó do kiến trúc sư yếu kém về năng lực chuyên môn, thiếu kinh nghiệm về thiết kế sẽ gây lãng phí nguồn lực tài chính, ảnh hưởng đến diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị cũng như nhu cầu hoạt động, sinh hoạt, làm việc của con người.

Hiện nay cả nước có hơn 20.000 kiến trúc sư. Đội ngũ kiến trúc sư tuy đông nhưng chưa phát huy hết thế mạnh do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chưa có một môi trường hành nghề, điều kiện hành nghề phù hợp và hoàn chỉnh. Tự do sáng tạo và năng lực hoạt động của kiến trúc sư chưa được phát huy.

Theo đánh giá tổng kết thi hành pháp luật về kiến trúc, thực tế cho thấy còn có sự can thiệp không lành mạnh vào hoạt động của kiến trúc sư. Vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp của kiến trúc sư đối với hành nghề kiến trúc chưa rõ. Nhận thức của một bộ phận của người dân, chủ đầu tư, cán bộ quản lý về vai trò của kiến trúc và hoạt động của kiến trúc sư còn hạn chế.

Thảo luận tại tổ 03 về dự án Luật Kiến trúc

Việc xây dựng môi trường hành nghề, điều kiện hành nghề chưa được quan tâm thích đáng. Một số nội dung hoạt động kiến trúc được lồng ghép trong nội dung hoạt động xây dựng nói chung. Các quy định pháp luật liên quan hành nghề kiến trúc chưa đầy đủ, quy định thiếu cụ thể, từ điều kiện hành nghề, quy định để đánh giá năng lực, khả năng phát triển nghề nghiệp, bồi dưỡng các kiến thức liên quan, đạo đức đến trách nhiệm của kiến trúc sư; chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và nguyện vọng chính đáng của kiến trúc sư, không phù hợp với quy định chung của WTO và chưa có quy định cụ thể riêng về dịch vụ kiến trúc.

Việc phân hạng năng lực hoạt động của kiến trúc sư như hiện nay không phù hợp với đặc thù sáng tạo và hoạt động của kiến trúc sư. Việc cấp chứng chỉ hành nghề của kiến trúc sư còn bất cập ở chỗ, theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật này, năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân trong đó có hành nghề kiến trúc được quy định chung về phân hạng chứng chỉ (hạng I, hạng II, hạng III). Trong khi ngành kiến trúc là một lĩnh vực có tính đặc thù nghệ thuật, sáng tạo, việc phân hạng kiến trúc sư hành nghề sẽ không khuyến khích sáng tạo nâng cao chất lượng kiến trúc, đảm bảo công bằng đối với các kiến trúc sư, nhất là đối với các kiến trúc sư trẻ. Trên thế giới, hầu hết các nước không phân hạng đối với kiến trúc sư hành nghề (trừ Trung Quốc, Nhật Bản, Anh).

Cùng với đó, việc chưa có quy định về phát triển nghề nghiệp và đạo đức hành nghề của kiến trúc sư là một trong các cản trở Việt Nam khi thực hiện thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong Asean về các dịch vụ kiến trúc, số kiến trúc sư Việt nam được cấp chứng chỉ hành nghề của ASEAN còn hạn chế. Đồng thời, việc chưa có các quy định này dẫn tới việc thiếu kiểm soát đối với chất lượng và quá trình hành nghề của kiến trúc sư. Thực tế, nhiều kiến trúc sư có chứng chỉ hành nghề nhưng không cập nhật chuyên môn, các tiến bộ khoa học và các quy định về quy chuẩn tiêu chuẩn mới nên khi hành nghề đã tạo ra sản phẩm kiến trúc xấu.

Đại biểu Trần Văn Lâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ góp ý về dự án Luật Kiến trúc

Khắc phục những bất cập, hạn chế trên, đồng thời kế thừa các quy định của các Luật liên quan đến hành nghề kiến trúc, bổ sung các nội dung mới, dự thảo Luật Kiến trúc quy định thành một chương riêng về hành nghề kiến trúc. Trong đó quy định phạm vi, điều kiện hành nghề, các dịch vụ hành nghề kiến trúc; quy định rõ quyền, nghĩa vụ của kiến trúc sư; quy định về tiêu chuẩn kiến trúc sư hành nghề; quy định không phân hạng chứng chỉ hành nghề kiến trúc; thêm 2 tiêu chí để kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình hành nghề kiến trúc là Phát triển nghề nghiệp liên tục và Đạo đức hành nghề, là điều kiện để gia hạn chứng chỉ hành nghề của kiến trúc sư; xây dựng các quy tắc về kiểm soát quá trình phát triển nghề nghiệp liên tục, các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; quy định chứng chỉ năng lực của tổ chức hành nghề kiến trúc: có cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc và chủ trì thiết kế kiến trúc đã có chứng chỉ hành nghề của kiến trúc sư;  xã hội hóa công tác đào tạo, sát hạch hành nghề kiến trúc, phát triển nghề nghiệp liên tục và dạo đức hành nghề.

Cần thiết quy định để quản lý hành nghề kiến trúc sư

Thảo luận tại tổ 03, đại biểu Trần Văn Lâm – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng điểm nổi bật của dự án Luật này là quy định về quản lý hành nghề kiến trúc sư. Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, Ban soạn thảo cần phải làm rõ thêm sự cần thiết phải có các quy định quản lý hành nghề riêng đối với kiến trúc sư.

Tán thành với sự cần thiết quy định về quản lý hành nghề kiến trúc sư, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, đề nghị cần quy định hành vi bị cấm trong hành nghề của cá nhân và tập thể kể cả người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam; quy định cụ thể quan lý người nước ngoài hành nghề ở Việt Nam; bổ sung quy định giao Bộ Xây dựng quản lý chung; xem xét bổ sung nội dung giải quyết tranh chấp, khiếu kiện về hành nghề, sở hữu trí tuệ…

Đối với việc phân hạng chứng chỉ hành nghề, theo đại biểu Thạch Phước Bình cần có phân hạng để các kiến trúc sư phần đấu và để chứng nhận cho các kiến trúc sư có đủ điều kiện hành nghề, đồng thời cũng cần quy định phạm vi hoạt động đối với từng hạng.

Đại biểu Thạch Phước Bình đặt vấn đề nên nghiên cứu thành lập Hội Kiến trúc sư hành nghề được Nhà nước công nhận như mô hình của Hội luật gia và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề, đại biểu Thạch Phước Bình bày tỏ băn khoăn với việc cấp chứng chỉ cho tổ chức hành nghề tư vấn, trình tự, thủ tục, điều kiện đăng ký cấp chứng chỉ như thế nào, tổ chức có phải thành lập doanh nghiệp để bảo đảm điều kiện có tư cách pháp nhân không? Liệu có phát sinh thêm thủ tục gây khó khăn cho tổ chức khi vừa phải có chứng chỉ của người đại diện theo pháp luật vừa phải có chứng chỉ của tổ chức.

Đại biểu Thạch Phước Bình bày tỏ tán thành với sự cần thiết quy định về quản lý hành nghề kiến trúc sư

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ - cho rằng không nên làm phức tạp tình hình trong quản lý hành nghề kiến trúc sư. Đại biểu dẫn chứng đối với luật sư có luật có chứng chỉ hành nghề do Đoàn luật sư trình, Sở Tư pháp thẩm định và cấp thì kiến trúc sư cũng nên quy định tương tự. Vì vậy, đại biểu Thanh Xuân bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật cho rằng chứng chỉ phải do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở cấp tỉnh cấp để đảm bảo quản lý của Nhà nước.

Về phân hạng chứng chỉ, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị không phân hạng chứng chỉ hành nghề kiến trúc vì kiến trúc là loại hình nghệ thuật, sáng tạo kiến trúc không hoàn toàn phụ thuộc vào độ tuổi, kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị làm rõ các nội dung về hành nghề kiến trúc. Đại biểu Nguyễn Thanh Phương – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ, cho rằng quy định về hành nghề liên tục chưa được giải thích rõ; đạo đức hành nghề theo quy tắc hành nghề thì cấp nào ban hành, điều kiện cấp và đổi chứng chỉ hành nghề để bảo đảm phát triển hành nghề liên tục cũng chưa được làm rõ. Đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, đề nghị Ban soạn thảo rà soát quy định về trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ, một số quy định còn gây khó cho người trình cấp chứng chỉ bởi quy định theo hướng lại bắt nộp hồ sơ trực tiếp, xuất trình bản chính đối chiếu, điều này chưa hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cải cách hành chính hiện nay.

Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về các nội dung của dự án Luật Kiến trúc tại phiên họp toàn thể hội trường chiều 14/11 tới.

Bảo Yến