THẢO LUẬN TỔ 01: LÀM RÕ THẨM QUYỀN CỦA CƠ QUAN PHÊ DUYỆT CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG

12/11/2018

"Phân cấp mạnh hơn cho các đơn vị; quy định rõ tiêu chí phân loại dự án đầu tư công và làm rõ thẩm quyền của cơ quan phê duyệt các dự án đầu tư công..." là ý kiến của đa số đại biểu tại buổi thảo luận tổ 01 - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội - về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công diễn ra sáng 12/11.

Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội (tổ 01) thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công

Làm rõ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư

Cho ý kiến tại Điều 17 dự thảo Luật quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng quy định như vậy là chưa hợp lý. Đại biểu nêu dẫn chứng tại Điều 37 Luật Ngân sác hnhà nước quy định: Thu bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương là nguồn thu của ngân sách địa phương, do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán. Đại biểu cũng đề nghị rà soát để đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, tăng tính tự chủ động và tự chịu trách nhiệm của địa phương.

Cũng tại Điều 17 quy định: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng toàn bộ vốn ngân sách địa phương, các nguồn vốn khác của nhà nước chưa cân đối trong ngân sách nhà nước do địa phương quản lý. Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc và đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị, trong thời điểm giữa hai kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân có thể quyết định chủ trương đầu tư sau đó báo cáo với Hội đồng nhân dân. Quy định như vậy sẽ tạo sự linh hoạt và chủ động cho địa phương, không chỉ vì một số địa phương làm không tốt mà loại bỏ quy định này ra khỏi luật.

Các đại biểu đề nghị Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công cần phân cấp mạnh mẽ cho các cơ quan, đơn vị

Đại biểu Dương Quang Thành cũng băn khoăn về quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm A sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn ngân sách trung ương. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ một phần vốn ngân sách là bao nhiêu, Chính phủ cần quy định rõ tỷ lệ phần trăm vốn ngân sách nhà nước trong luật.

Phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, đơn vị

Cho ý kiến về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, quy định tại Điều 34 của dự án Luật, đa số ý kiến đề nghị việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn nên được phân cấp cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ để thẩm định, trách nhiệm, thời hạn trong thẩm định vốn, bảo đảm không dẫn đến tình trạng nhu cầu đầu tư vượt quá khả năng cân đối vốn như đã xảy ra trên thực tế trước khi có Luật Đầu tư công và tuyệt đối tránh vi phạm điều cấm theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật khi quyết định chủ trương đầu tư mà không cân đối được nguồn vốn đầu tư.

Có ý kiến cho rằng, việc thẩm định nguồn vốn là bắt buộc nhưng phải ở bước phê duyệt dự án đầu tư mới thực sự hợp lý. Để tháo gỡ các vướng mắc của Luật Đầu tư công hiện nay, không nên quy định thẩm định nguồn vốn khi phê duyệt chủ trương đầu tư và thay vào đó là quy định khi phê duyệt dự án đầu tư bắt buộc phải có thẩm định nguồn vốn.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan, đại biểu Lê Quân cho rằng, trong ngành giáo dục thì những dự án giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 160 tỷ đồng phải trình cơ quan chủ quản phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh tự chủ đại học, Nghị định 16 của Chính phủ cũng quy định về quy chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công. Do vậy, để tạo sự chủ động cho các cơ sở giáo dục, trong luật cần có quy định theo hướng phân cấp phân quyền cho các đơn vị để chủ động về thời gian thực hiện dự án cũng như giảm thủ tục hành chính không cần thiết, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng các dự án đầu tư công./.

Lan Hương