THẢO LUẬN TỔ 03 VỀ DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ THUẾ (SỬA ĐỔI): LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN THUẾ, THANH TRA VÀ KIỂM TOÁN

12/11/2018

Sáng ngày 12/11, thảo luận tại Tổ 03 gồm các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Kon Tum, Trà Vinh và Tp.Cần Thơ về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), các đại biểu lo ngại về sự chồng chéo khi phát sinh và xử lý trường hợp có sự khác biệt của cơ quản lý thuế qua kết quả kiểm tra, kết luận thanh tra với kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước và kết luận của cơ quan Thanh tra. Vì vậy cần phân tích làm rõ vai trò của các cơ quan là kiểm toán nhà nước và cơ quan thuế.

Tổ 03 gồm đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Kon Tum. Trà Vinh và Tp.Cần Thơ thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

Dự thảo Luật quy định, cơ quan kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước thực hiện kiểm toán, thanh tra các hoạt động có liên quan đến cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước, pháp luật về thanh tra, quy định của pháp luật về quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, đối với kiến nghị của cơ quan kiểm toán nhà nước, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước khi kiểm toán, thanh tra tại cơ quan quản lý thuế mà có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế.

Trường hợp quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế về việc thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp, hoàn thuế của người nộp thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan kiểm toán nhà nước, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng thời cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. (Khoản 3 Điều 119 Dự thảo).

Trước đó, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội nêu rõ, đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị bỏ các quy định này và cho rằng, việc quy định như dự thảo Luật là chưa phù hợp với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Thanh tra; chưa bao quát hết các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quản lý thuế (như cơ quan điều tra, kiểm tra Đảng…); các cơ quan không cùng hệ thống hành pháp song lại quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định khi có sự khác nhau với cơ quan hành pháp là không đúng với các nguyên tắc tổ chức Nhà nước và không phù hợp về thẩm quyền quyết định; nội dung quy định tại khoản này cũng không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật.

Nhóm ý kiến cho rằng, thực tế hiện nay có sự khác biệt của cơ quản lý thuế qua kết quả kiểm tra, kết luận thanh tra với kiến nghị của cơ quan kiểm toán nhà nước và kết luận của cơ quan thanh tra, do đó đề nghị quy định theo hướng, trường hợp có sự khác nhau giữa cơ quan quản lý thuế và cơ quan Kiểm toán nhà nước thì Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; trường hợp khác nhau giữa cơ quan quản lý thuế với cơ quan thanh tra và các cơ quan khác thì Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh - cho rằng, trong trường hợp có sự khác nhau giữa cơ quan quản lý thuế và cơ quan Kiểm toán nhà nước thì thực hiện theo kết luận của cơ quan thuế là không hợp lý. Đại biểu cho rằng nên quy định theo hướng, trường hợp có sự khác nhau giữa cơ quan quản lý thuế và cơ quan Kiểm toán nhà nước thì Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; trường hợp khác nhau giữa cơ quan quản lý thuế với cơ quan thanh tra và các cơ quan khác thì Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang - cho rằng, vấn đề nổi lên hiện nay trong việc phân cấp quản lý theo chức năng nhiệm vụ là kiểm toán và cơ quan thuế. Cơ quan thuế cho rằng không để quá nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi đó cơ quan kiểm tóa lại cho rằng phải xuống đến doanh nghiệp – nơi phát sinh ra số thu để kiểm toán, xem xét cơ quan thuế làm đúng hay sai. Đại biểu cho rằng đây là vấn đề lớn và mong muốn được làm rõ.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, nên tách bạch, không thể để cơ quan nào cũng có thể vào kiểm tra doanh nghiệp, không thể để cùng một nội dung là thuế mà cả cơ quan thuế, cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán đều vào kiểm tra doanh nghiệp mà ở đây cần có sự phối hợp đồng bộ trong quản lý. Ở đây, cần quy định theo hướng cơ quan thuế chịu trách nhiệm về số thu và các số liệu tính toán ở doanh nghiệp. Trong trường hợp cơ quan kiểm toán, cơ quan thanh tra thấy nghi ngờ về những số liệu này thì cơ quan thuế phối hợp với doanh nghiệp để cung cấp thông tin. Khi đó, kiểm toán không phải xuống tận doanh nghiệp mà thanh tra, kiểm toán là thanh tra, kiểm toán cơ quan thuế chứ không không làm trực tiếp với doanh nghiệp nữa. Dự án Luật cần làm rõ để xác định giới hạn trách nhiệm của các cơ quan trong lĩnh vực này, giảm tải, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đại biểu Ngô Chí Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh - đề nghị, quy định, trường hợp quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế về việc thực hiện nghĩ vụ thuế phải nộp, hoàn thuế có sự khác biệt giữa cơ quan kiểm toán nhà nước thì phải thực hiện theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán nhà nước và cơ quan kiểm toán nhà nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kiến nghị, kết luận của mình.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ - đề nghị quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm tra thuế nếu xảy ra sai phạm; bổ sung trách nhiệm của cơ quan thuế, công chức thuế trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao khi kiểm tra thuế, thanh tra thuế, miễn giảm thuế, hoàn thuế và quyết toán thuế để bảo đảm hơn.

Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vào sáng 16/11 tới đây.

Bảo Yến