THẢO LUẬN TỔ 03 VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG

12/11/2018

Sáng ngày 12/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, sau khi làm việc tại hội trường, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Thảo luận tại tổ 03 về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công

Thảo luận tại tổ 03 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Kon Tum, Trà Vinh và Tp.Cần Thơ, cho ý kiến góp ý về dự án Luật sửa đổi một số điều của dự án Luật Đầu tư công, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ - bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sửa đổi bổ sung luật nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại hạn chế trong thực hiện Luật thời gian qua; đồng thời tán thành quy định về thời hạn thi hành từ ngày 01/01/2020 để có căn cứ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn bày tỏ băn khoăn về những nhóm hạn chế, bất cập của Luật hiện hành nêu trong tờ trình của Chính phủ và cho rằng nếu không mạnh dạn tháo gỡ kịp thời về cơ chế sẽ khó mở đường cho nhiều vấn đề, nhất là những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đã thảo luận trong các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và đầu tư công trước đó.

Tuy Luật Đầy tư công hiện hành mới có hiệu lực được 3 năm và cho đến ngày 2/12/2016 mới hoàn thành việc ban hành các nghị định, đến 14/12/2017 hoàn thành việc ban hành thông tư hướng dẫn. Như vậy Luật mới chỉ đang ở bước đầu triển khai trong cuộc sống, chưa đủ độ ngấm và thời gian để sơ kết, tổng kết, đánh giá toàn diện quá trình triên rkhai Luật để thấy được những bất cập, hạn chế tổng thể để sửa đổi toàn diện. Mặt khác, thời gian qua khách quan việc tổ chức thực hiện Luật chưa nghiêm, còn lúng túng ở cả trung  ương và địa phương.

Do đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, bên cạnh việc tập trung nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả luật hiện hành, khắc phục kịp thời sự lúng túng ở cả trung ương và địa phương; phải có sự rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, khách quan nghiêm túc, tập trung nghiên cứu đề xuất và mạnh dạn sửa đổi một cách toàn diện, tối ưu những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn – đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng chỉ ra rằng, dự thảo luật còn quy định nhiều thủ tục chưa được đơn giản hóa, thậm chí một số quy trình thủ tục còn phức tạp hơn như quy trình xử lý nguồn vốn ODA; quy trình thẩm định, phê duyệt các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm…Đại biểu nhấn mạnh, phải giải quyết được câu chuyện đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, tránh những rào cản, phức tạp là yêu cầu đối với việc sửa đổi Luật lần này. Bên cạnh đó, gần 1/3 điều luật quy định giao Chính phủ hướng dẫn  trong đó có nhiều nội dung quan trọng không thuộc thẩm quyền hướng dẫn, không bảo đảm yêu cầu pháp điển hóa. Vì vậy, Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu, rà soát lại để quy định phù hợp. Các quy định về phân loại các nguồn vốn đầu tư công và quy trình thủ tục đối với từng lại nguồn vốn; tiêu chí phân loại dự án đầu tư quan trọng quốc gia, dự án nhóm A-B-C; phân cấp thẩm quyền các cơ quan trong thẩm định nguồn vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án; thẩm quyền quy trình lập, phê duyệt và giao kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, bổ sung quy định Kế hoạch đầu tư công trung hạn 03 năm… cũng cần được rà soát, đánh giá tác động, xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm sự cần thiết, sự phù hợp trong hệ thống pháp luật.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang - bày tỏ quan tâm đến về việc sửa đổi, các quy định về tiêu chí xác định các dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A, B, C. Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, nếu quy định dự án quan trọng quốc gia là dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 35.000 tỷ đồng trở lên, mức độ điều chỉnh tiêu chí gấp 3,5 lần mức hiện hành thì cả nhiệm kỳ Quốc hội sẽ không quyết được dự án nào trong khi số dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội thời gian qua là rất ít, việc triển khai quy định này không phát sinh vướng mắc. Như vậy số lượng dự án Quốc hội quyết định giảm đi tức là trách nhiệm giám sát đối với đầu tư giảm đi. Thực tế cho thấy những dự án do địa phương quyết định triển khai bị đội vốn hàng nghìn tỷ đồng vượt qua mức thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định, nếu ở đây có sự vào cuộc giám sát chặt chẽ của Quốc hội ngay từ đầu thì có lẽ sẽ không xảy ra tình trạng đội vốn lớn đến như vậy.

Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng việc tăng quy mô vốn đầu tư công của dự án trọng điểm quốc gia để trình Quốc hội quyết định là làm giảm các dự án trình Quốc hội xem xét, làm giảm đi sự giám sát ngay từ đầu của Quốc hội là không phù hợp với xu hướng. Đại biểu Trần Văn Lâm bày tỏ mong muốn Quốc hội sẽ giám sát ngày càng chặt chẽ hơn những vấn đề nổi cộm trong cuộc sống trong đó có việc đầu tư công và hy vọng dự án Luật sẽ không đi ngược lại mong muốn này.

Mặt khác nếu xét về căn cứ để xem xét sửa đổi thì chưa thực sự đủ căn cứ, Ban soạn thảo cần làm rõ thêm bởi theo Luật Đầu tư công thì việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư chỉ áp dụng trong trường hợp có biến động lớn về chỉ số giá tiêu dùng. Trong khi đó 3 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng không biến động lớn, quy định mức vốn của Dự án quan trọng quốc gia là từ 10.000 tỷ đồng trở lên hiện vẫn phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật này vào sáng 19/11 tới.

Bảo Yến