THẢO LUẬN TỔ 9 VỀ DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ THUẾ SỬA ĐỔI

12/11/2018

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 12/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi. Tổ 09 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Lai Châu và Đồng Lai. Thảo luận, các đại biểu cho rằng sửa đổi Luật Quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết để hoàn thiện thể chế quản lý thuế…Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị phải rà soát thêm một số quy định để thống nhất với các luật hiện hành...

Góp ý về dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai - cho rằng cần phải giải thích rõ “dấu hiệu trốn thuế” tại điều 3 dự án Luật này để làm rõ các trường hợp thế nào là trốn thuế? thế nào là trường hợp đặc biệt? Tại Điều 7 khoản 2 về “đồng tiền nộp thuế” phải làm rõ theo người nộp thuế hay cơ quan thuế ấn định. Đại biểu Thu Hằng cũng góp ý Điều 8 giao dịch điện tử trong lĩnh vực nộp thuế tạo thuận lợi cho người nộp thuế, nhưng chưa tính đến trường hợp do lỗi mạng điện tử, từ đó có phạt chậm nộp thuế hay không?…

Tại tổ thảo luận, nhiều đại biểu đồng ý với ý kiến của đại biểu Đỗ thị Thu Hằng. Các đại biểu đoàn Lai Châu và đoàn Hải Dương cũng cho ý kiến tại Điều 126 quy định về biện pháp cưỡng chế thi hành xử phạt hành chính: thì nên tham khảo thêm luật doanh nghiệp 2014 vì không có điều nào quy định không nộp thuế thì sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh. Điều 14 nhiệm vụ quyền hạn của Chính phủ khoản 2 gia hạn nộp thuế cho các trường hợp nên xác định rõ tiêu chí khó khăn đặc biệt. Điều 61 nộp thuế trong thời gian khiếu nại ghi trong dự án Luật rất chung chung,“lãi” này là lãi nào? Ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn? Điều 85 quy định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt có 1 điểm là không có tài sản để nộp thì trình tự thủ tục xác định không có tài sản là như thế nào, ai là người sẽ chịu trách nhiệm xác nhận đó? Nguyên tắc kiểm tra, thanh tra thuế tránh trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, tránh gây phiền toái cho người nộp thuế…đây cũng là ý kiến chung của nhiều đại biểu kiến nghị ban soạn thảo cần xem xét lại và ghi rõ các nội dung trong văn bản Luật.

Thảo luận tại tổ 9

Góp ý về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổ)i, nhiều đại biểu cũng đề nghị phải rà soát thêm một số quy định để thống nhất với các luật hiện hành, như Luật Xử lý vi phạm hành chính. Quyết định cơ quan quản lý thuế khác với kiểm toán nhà nước, thanh tra Chính phủ nên cần phân biệt rõ ràng. Với lần sửa đổi toàn diện này, Luật được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý thuế trước tình hình mới.

Bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công , tại tổ 9, nhiều đại biểu cũng đề nghị cần phân loại nguồn vốn đầu tư công chưa quyết định rõ cụ thể nguồn đầu tư công ngoài ngân sách gồm những nguồn nào.Tiêu chí các dự án đầu tư công: CPI chỉ mấy năm mà tăng lên 3,5 lần nên cần đánh giá tác động CPI. Thẩm định nguồn vốn và khả năng thu hồi vốn: đây là vướng mắc nhất, phải đưa ra mức tổng số vốn của Trung ương. Bên cạnh đó, một số quy định về trình tự, mốc thời gian lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch vốn trong dự thảo chưa thống nhất với quy định tại Luật Ngân sách nhà nước (NSNN). Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu điều chỉnh trình tự, các mốc thời gian về lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 5 năm, 3 năm, hàng năm để đảm bảo phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, tính khả thi trong triển khai thực hiện...

Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương

Một trong những ưu điểm nổi bật của Luật Đầu tư công hiện hành là khắc phục được tình trạng quyết định đầu tư không gắn với nguồn vốn, dẫn đến khó khăn cho ngân sách, lãng phí, kém hiệu quả. Tại dự thảo sửa đổi lần này, dù có mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, tạo thuận lợi hơn về quy trình thủ tục, song các đại biểu nhấn mạnh, việc phải làm rõ căn cứ, trách nhiệm trong thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để bảo đảm không được dẫn đến tình trạng nhu cầu đầu tư vượt quá khả năng cân đối vốn như đã xảy ra trên thực tế trước khi có Luật Đầu tư công và tuyệt đối tránh vi phạm điều cấm theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của luật khi quyết định chủ trương đầu tư mà không cân đối được nguồn vốn đầu tư.

Ánh Dương - Nhóm ảnh