ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỔ 05 THẢO LUẬN VỀ DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG

12/11/2018

Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, sáng 12/11, các đại biểu tại Tổ 05 thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Tổ số 05 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Sơn La, Tây Ninh, thành phố Đà Nẵng và Binh Bình

Toàn cảnh buổi thảo luận Tổ 05

Theo Tờ trình của Chinh phủ, sau hơn 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công, tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc chủ yếu sau: khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; Một số quy định trong Luật Đầu tư công quá cứng nhắc, hoặc chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng các quy định đã không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; tồn tại một số điểm chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công với các luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch...

Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng chỉ ra rằng, qua 3 năm thực hiện, Luật Đầu tư công cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, đặc biệt là về quy trình, thủ tục thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn, giao vốn, điều chỉnh kế hoạch vốn đang gây khó khăn, kéo dài thời gian, chậm tiến độ giải ngân vốn. Do đó, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính và Ngân sách nhất trí với đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại trong thực hiện Luật.

Thảo luận tại buổi họp Tổ, đa số các đại biểu đa số các đại biểu tại Tổ 05 tán thành với sự cần thiết sửa đổi một số điều của Luật; tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, chỉnh lý để đảm bảo tính thống nhất trong Dự thảo Luật với một số luật như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Xây dựng về giải thích từ ngữ, quy trình, thủ tục...

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương đưa ra ý kiến tại buổi thảo luận Tổ 

Phát biểu tại buổi thảo luận Tổ, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, cho rằng những bất cập tồn tại về đầu tư công vừa qua không phải do chính sách, do hành lang pháp lý mà do khâu tổ chức thực hiện. Đại biểu đặt ra câu hỏi tại sao ngân sách của các địa phương dành cho các dự án lại được xử lý nhanh, còn vốn từ Trung ương phân bổ cho các dự án thì lại chậm trễ, khó giải ngân đến vậy? Từ đó, đại biểu đề nghị Luật sửa đổi một số điều lần này phải tìm ra nguyên nhân để khắc phục được những tồn tại trên. Đồng thời đại biểu cũng tán thành quan điểm của Ủy ban Thẩm tra là chưa cần bổ sung một số quy định nhằm mở quá rộng các dự án khẩn cấp, dự án thuộc đối tượng không phải xem xét, quyết định thủ tục đầu tư; cân nhắc một số quy định về thẩm quyền như thẩm quyền của cấp huyện trong quyết định đầu tư; thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân.

Tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, để triển khai tốt Luật này cần phải có sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng từ Trung ương xuống cơ sở, các cấp chính quyền; sự phối kết hợp chặt chẽ của các cơ quan, đoàn thể; có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan trong xây dựng các văn bản hướng dẫn trong quá trình thực hiện. Đồng thời các cơ quan theo nhiệm vụ được phân công cần thực hiện cơ chế giảm tiền kiểm, tặng hậu kiểm để xác định rõ trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân, tổ chức khi có sai phạm xảy ra./.

 

 

 

 

 

Hồ Hương