ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TẠI TỔ 05 THẢO LUẬN VỀ DỰ THẢO LUẬT QUẢN LÝ THUẾ (SỬA ĐỔI)

12/11/2018

Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, sáng 12/11, các đại biểu tại Tổ 05 thảo luận về Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Tổ số 05 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Sơn La, Tây Ninh, Đà Nẵng và Binh Bình.

Tại phiên thảo luận Tổ, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng hồ sơ trình dự án Luật đã đảm bảo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thống nhất với tên gọi của Luật là Luật Quản lý thuế (sửa đổi), vì phạm vi sửa đổi lần này khá rộng, bổ sung nhiều nội dung mới phức tạp, quan trọng. Tuy nhiên, để có cơ sở thẩm tra, đánh giá và để các đại biểu Quốc hội có căn cứ, xem xét cho ý kiến đối với từng nội dung, đề nghị Chính phủ cần thuyết minh rõ hơn về cơ sở, nguyên nhân và lý do cần bổ sung các quy định mới và bỏ những quy định không còn phù hợp trong Luật hiện hành.

Đại biểu Quốc hội phát biểu tại buổi thảo luận

Đi vào một số nội dung cụ thể, đối với các quy định về quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế, đại biểu Nguyễn Bá Sơn- Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Đà Nẵng, cũng đề nghị Dự luật cần quy định cụ thể, rõ ràng, có sự giải thích rõ nghĩa để người nộp thuế có thể thực hiện được trách nhiệm của mình; đồng thời để các cơ quan giám sát có thể thực hiện việc giám sát một cách chính xác, khách quan. Đối với các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế, các đại biểu đề nghị bổ sung những nội dung quy định cụ thể hơn về quyền hạn của Quốc hội trong việc ban hành, sửa đổi các Luật, văn bản quản lý thuế; thực hiện chức năng giám sát tối cao theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế là hàng năm thực hiện việc kiểm tra quyết toán thuế của các doanh nghiệp có quy mô lớn đồng thời giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện đầy đủ điều Luật này.

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh - chỉ ra rằng: tại Khoản 1, Điểu 8 có quy định: Người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế phải thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật này và pháp luật về giao dịch điện tử. Theo đại biểu phân tích, việc quy định này chưa thất sự rõ ràng, chưa bao quát hết tất cả các đối tượng. Theo quy định này thì các tổ chức cá nhân phải thực hiện giao dịch điện tử, tuy nhiên lại có cụm từ “tổ chức cá nhân có điều kiện thực hiện giao dịch điện tử”. Vậy như nào là có điều kiện và đối tượng nào là không có điều kiện trong việc thực hiện giao dịch điện tử này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nội dung này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu một số nội dung

Phát biểu tại Phiên thảo luận Tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, trong 10 năm liên tiếp đã sửa đổi 3 lần Luật Quản lý thuế, các lần sửa đổi đều nhằm tạo ra cơ sở pháp luật, thống nhất chính sách về quản lý thuế, đồng bộ các luật thuế, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và định hướng theo thông lệ quốc tế. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng mong muốn nhận được nhiều các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Dự thảo Luật khắc phục những hạn chế bất cập về chính sách cùng với cơ chế còn nặng về thủ tục hành chính; khắc phục tình trạng nợ đọng thuế còn cao, chưa được giải quyết một cách dứt điểm.

 

 

Hồ Hương- Nhóm ảnh