THẢO LUẬN TỔ 01 VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG (SỬA ĐỔI) VÀ DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ THUẾ (SỬA ĐỔI)

12/11/2018

Tiếp tục kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, sáng 12/11, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội (tổ 01) thực hiện thảo luật tại Tổ về Dự án Luật Đầu tư công và Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 01-Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Cho ý kiến về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đa số đại biểu cho rằng Luật Đầu tư công năm 2015 đã đem lại những kết quả tích cực trong siết chặt kỷ luật, nâng cao hiệu quả trong đầu tư công. Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện, Luật bộc lộ một số hạn chế mà thường được nhắc đến nhất là quy trình, thủ tục phức tạp, chưa phù hợp thực tiễn. Tại phiên thảo luận, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu một số quy định liên quan đến: Việc sửa đổi tên gọi của luật, mở rộng phạm vi sửa đổi, đề xuất tới 18 nhóm vấn đề cần sửa trong đó có những nội dung như nâng tiêu chí vốn của công trình trọng điểm quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng; lập kế hoạch đầu tư công 3 năm; hay cần làm rõ thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án.

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, trong thời điểm giữa hai kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công đã phát huy hiệu quả ở nhiều địa phương. Do vậy, không chỉ vì một số địa phương làm không tốt mà loại bỏ quy định này để tạo sự linh hoạt, hiệu quả, kịp thời.

Cho ý kiến về Điều 46 về phân loại Kế hoạch đầu tư công, Dự án luật quy định: Kế hoạch đầu tư công gồn: Kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm được lập trong thời hạn 05 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm; Kế hoạch đầu tư công 03 năm được lập theo phương thức cuốn chiếu cùng thời điểm với kế hoạch đầu tư công hằng năm trên cơ sở cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm, phù hợp với Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm, để tham khảo, dự báo khả năng thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm. Tuy nhiên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, không nên quy định kế hoạch đầu tư công 3 năm và được lập theo phương thức cuốn chiếu. Bởi thực tế có những dự án kéo dài từ 5-10 năm và vắt từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Nếu thực hiện cuốn chiếu 3 năm sẽ kèm theo đó nhiều thủ tục và tạo gánh nặng cho các địa phương, bộ ngành khi triển khai thực hiện.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Góp ý vào Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), nhiều đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật; đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản thuế; quy định nộp thuế điện tử, hóa đơn và giao dịch điện tử giúp việc nộp thuế và quản lý thuế công khai, minh bạch hơn, giảm thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân nộp thuế. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong 10 năm mà 3 lần sửa luật cho thấy tuổi thọ của luật quá ngắn, luật chưa đi vào cuộc sống thì đã sửa đổi, bổ sung, gây khó khăn cho cơ quan quản lý thuế cũng như người nộp thuế. Do vậy, Chính phủ cần rút kinh nghiệm vấn đề này.

Khoản 1 Điều 104 dự thảo Luật quy định đại lý thuế được phép cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhiều đại biểu đồng tình với quy định như trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị cần bổ sung quy định bắt buộc cán bộ của Tổ chức kinh doanh đại lý thuế phải có chứng nhận đủ trình độ nghiệp vụ về kế toán do Bộ Tài chính cấp. Bộ Tài chính cần sớm ban hành và triển khai thực hiện chế độ kế toán đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Một số ý kiến đồng ý quy định cho phép Tổ chức kinh doanh dịch vụ đại lý thuế được phép cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ, song phải đảm bảo đủ tiêu chí về hành nghề kế toán được quy định tại Điều 59 và Điều 60 của Luật Kế toán. Đại biểu Nguyễn Văn Bình nêu trường hợp nếu doanh nghiệp siêu nhỏ không thuê dịch vụ đại lý thuế thì tiến hành thu thuế như thế nào? Đại biểu nêu thực tế có nhiều hộ gia đình doanh thu rất lớn nhưng không thành lập doanh nghiệp nên chỉ thực hiện thu thuế theo hình thức thuế khoán, như vậy sẽ không chính xác và gây thất thu ngân sách nhà nước. Đại biểu Nguyễn Văn Bình đề nghị, nên quy định tất cả các giao dịch sản phẩm hàng hóa đều phải có hóa đơn đỏ để dễ quản lý và thu thuế./.

Lan Hương - Nhóm ảnh