THẢO LUẬN TỔ 03: CẦN CÓ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN NÂNG CHUẨN GIÁO VIÊN MẦM NON

08/11/2018

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, chiều ngày 08/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Tổ 03 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Kon Tum, Trà Vinh và thành phố Cần Thơ. Thảo luận, các đại biểu cho rằng việc quy định nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm như trong dự thảo Luật là cần thiết nhưng cần có lộ trình thực hiện cụ thể.

Thảo luận tại tổ 03 về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

Khoản 1 Điều 72 của dự thảo Luật quy định: “Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non…”. Các đại biểu cho rằng đây là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng của giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, việc chuẩn hóa đội ngũ không chỉ ở tiêu chí về trình độ đào tạo, mà quan trọng là chất lượng đào tạo, năng lực và đạo đức nhà giáo phù hợp với vị trí việc làm. Đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ về tiêu chí chuẩn hóa đội ngũ; về phương thức đào tạo nâng chuẩn, các nguồn lực thực hiện chính sách để bảo đảm tính khả thi; đánh giá tác động của chính sách đối với các trường trung cấp sư phạm và số giáo sinh sư phạm đang theo học hệ trung cấp khi chính sách này được thực hiện.

Có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, làm rõ sự cần thiết của việc nâng chuẩn trình độ cao đẳng đối với giáo viên mầm non, trong khi tình trạng thiếu giáo viên mầm non chưa được khắc phục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo viên mầm non chưa đạt yêu cầu, giáo viên mầm non ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi chủ yếu làm nhiệm vụ nuôi nhiều hơn dạy.

Tán thành với quy định về độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non của dự thảo Luật, đại biểu Dương Văn Thông – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang - cho rằng, quy định như vậy là đáp ứng yêu cầu của giáo dục trong điều kiện mới, nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng. Song đại biểu Dương Văn Thông cũng cho rằng việc thực hiện quy định này cần có lộ trình thích hợp để bảo đảm khả thi. Bởi nhiều vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa bởi vùng tình trạng thiếu giáo viên mầm non còn chưa được khắc phục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo viên mầm non chưa đạt yêu cầu, giáo viên mầm non cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi thì nuôi nhiều hơn dạy. Vì vậy việc thực hiện quy định này cần có lộ trình cụ thể, xác định nguồn lực thực hiện để bảo đảm khả thi.

Đại biểu Trần Thị Vịnh Nghi bày tỏ băn khoăn liệu việc thực hiện các quy định về trình độ chuẩn của giáo viên có bảo đảm đúng thời hạn đề ra

Đại biểu Trần Thị Vịnh Nghi – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ - bày tỏ băn khoăn về điều khoản chuyển tiếp của dự thảo Luật. Dự thảo quy định, các quy định về trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 72 của Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2026. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo chưa đạt chuẩn. Đại biểu đặt vấn đề liệu từ nay đến năm 2026 có bảo đảm thực hiện đúng tiến độ chuẩn hóa cho giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở như dự thảo. Về vấn đề này, Bộ phải cung cấp cho đại biểu tiến trình thực hiện cụ thể để đại biểu có thể an tâm, tin tưởng quy định này của Luật được thực hiện đúng.

Trong khi đó, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh - cho biết, hiện Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục, các Bộ quản lý về giáo dục theo phân công của Chính phủ. Tuy nhiên chính vì phân cấp quản lý nên ngành giáo dục bị cắt ngang và cắt dọc, điều này có ưu điểm là bảo đảm minh bạch, dân chủ nhưng lại có vấn đề phối hợp giải quyết công việc giữa Bộ. Ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo còn có Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng tham gia quản lý thì có độ trễ trong giải quyết các vấn đề về giáo dục, các bức xúc trong ngành giáo dục không được giải quyết kịp thời.

Đại biểu đề nghị cần có cơ chế để phối hợp giải quyết cho kịp thời, bởi có những bất cập như vấn đề thiếu giáo viên mầm non ở các địa phương hiện nay không hoàn toàn xuất phát từ công tác quản lý, nội tại của ngành giáo dục mà do sự phối hợp quản lý giữa các cơ quan hữu quan.

Theo báo cáo, hiện thiếu đến trên 60.000 giáo viên mầm non và mỗi giáo viên mầm non dạy 25 cháu thì rất nhiều trẻ không có giáo viên dạy hoặc đến trường phải học dồn ở lớp có sĩ số đông không bảo đảm chất lượng. Trong khi đó đến nay là năm thứ 3 ngành giáo dục gặp khó khăn do thiếu giáo viên. Đại biểu bày tỏ mong muốn luật cần có quy định để giải quyết những vấn đề này, đặc biệt có quy định để tạo cơ sở cho địa phương có thể chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh.

Đại biểu Lê Thị Thu Hồng đề nghị việc bồi dưỡng giáo viên ngoài nâng cao trình độ chuyên môn còn cần chú trọng về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp

Bên cạnh đó, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng cho rằng việc bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn còn nặng về chuyên môn, tri thức sách vở thiếu những kỹ năng, tri thức sống, khả năng tương tác, bao quát, phối hợp giữa các môn học chưa nhịp nhàng, thiếu tri thức pháp luật, khả năng xử lý tình huống chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặc biệt trong giai đoạn 4.0 hiện nay. Đại biểu đề nghị trong quy định về bồi dưỡng đạt chuẩn nhà giáo ngoài trình độ chuyên môn cần có yêu cầu về đạo đức, nội dung bồi dưỡng cũng cần được mở rộng về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp, cần có bộ quy tác đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của nhà giáo và người quản lý giáo dục.

Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ dành một ngày làm việc để tiếp tục thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật này vào ngày 15/11 tới.

Bảo Yến - Nhóm ảnh